Hiện đại hóa trong việc sử dụng công nghệ thông tin để quản lý bảo hiểm

Sáng 23/11, tham gia đóng góp ý kiến đại biểu Tráng A Dương cho biết trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không có đánh giá về chính sách đầu tư nhiều nguồn lực để thể hiện đại hóa, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, trong dự thảo Luật không có quy định riêng đối với việc hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chúng ta gặp nhiều khó khăn khi triển khai các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách đối với người lao động, đặc biệt là tài chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp và không có thu nhập ổn định.

Một trong những nguyên nhân là do cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý lao động và cơ quan bảo hiểm không liên thông, không xác định được rõ đối tượng thụ hưởng chính sách. Do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá về nội dung hiện đại hóa trong việc sử dụng công nghệ thông tin để quản lý bảo hiểm và bổ sung dự thảo Luật quy định riêng cho chính sách này.

Góp ý về trách nhiệm của người sử dụng lao động, đại biểu Tráng A Dương cho biết tại Điều 12 dự thảo Luật quy định 6 nội dung trách nhiệm của người sử dụng lao động. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung: Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thu hồi số tiền bảo hiểm xã hội không đúng quy định của người lao động nộp về Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Tráng A Dương cho rằng hai phương án đưa ra có ưu và nhược điểm nhất định. Qua nghiên cứu và căn cứ vào tình hình thực tiễn, đại biểu lựa chọn phương án 1 vì cho rằng phương án này đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Về chế độ trợ cấp mai táng, đại biểu Tráng A Dương đề nghị quy định đối tượng người lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Luật này đang tham gia bảo hiểm xã hội nếu không may bị chết thì thân nhân được hưởng chính sách này không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng. Quy định theo hướng này nhằm đảm bảo tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội.

Về quy định các quỹ thành phần của Bảo hiểm xã hội tại Điều 116 của dự thảo Luật, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là một quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội và bổ sung thêm quy định về giao Chính phủ quy định thứ tự hạch toán, phân bổ tiền đóng bảo hiểm và tiền lãi chậm đóng bảo hiểm vào các quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm.

Về quy định mức độ chi phí quản lý bảo hiểm xã hội tại khoản 2, Điều 118 của dự thảo Luật, đại biểu Tráng A Dương lựa chọn phương án 1 vì có ưu điểm là phối hợp thực tiễn quản lý thu chi chế độ bảo hiểm gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hien-dai-hoa-trong-viec-su-dung-cong-nghe-thong-tin-de-quan-ly-bao-hiem-199596.htm