Hiện thực hóa Bộ tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới trên quê hương Nam Định (kỳ 1)

Những thành quả của chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đang biến nhiều vùng nông thôn ngày càng trù phú. Tuy nhiên để đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia Chính phủ mới ban hành, tỉnh ta cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa… Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Kỳ I:Nền tảng cho việc tạo dựng “những miền quê đáng sống”

Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh tích cực triển khai đạt hiệu quả. Những thành quả của chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đang biến nhiều vùng nông thôn ngày càng trù phú. Tuy nhiên để đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia Chính phủ mới ban hành, tỉnh ta cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa…

 Nông thôn mới xã Giao Hà (Giao Thủy). Ảnh: Đăng Khoa

Nông thôn mới xã Giao Hà (Giao Thủy). Ảnh: Đăng Khoa

Để triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 quy định nguyên tắc, định mức và phương án phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; đồng thời giám sát thực hiện Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 17-4-2020 về việc quy định cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; ban hành loạt văn bản để chỉ đạo, điều hành, quản lý việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, bao gồm: Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 16-7-2021 về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 30-3-2022 về việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 13-6-2022 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Nam Định chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 24-6-2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025;... Từ kinh nghiệm giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu xây dựng cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia thành các chỉ tiêu mức đạt các tiêu chí thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quyết định; tham mưu phân bổ vốn ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, các huyện, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại địa phương; thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Huyện Hải Hậu tập trung thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. Với các chương trình, kế hoạch tập trung, bài bản, đồng bộ, thời gian qua mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 song Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và toàn xã hội vào cuộc hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh có 106 xã, thị trấn (bằng 52% tổng số xã, thị trấn) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh; trong đó, năm 2021 có 93 xã, thị trấn được công nhận. Một số huyện có kết quả nổi bật như huyện Hải Hậu đã có 100% số xã, thị trấn; huyện Nghĩa Hưng có 71% số xã; huyện Vụ Bản có 56% số xã; huyện Trực Ninh có 48% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Đoàn thẩm định của tỉnh đã tổ chức thẩm định được 65 xã, thị trấn đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh. Hiện có 11 xã, thị trấn thuộc các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực và Giao Thủy đang được đề nghị UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã đăng ký trên 80 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó có 212 sản phẩm 3 sao và 39 sản phẩm hạng 4 sao; có 4 sản phẩm nâng hạng từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao; có 2 sản phẩm nghêu thịt hộp Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) và gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) là sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao. Một số địa phương đạt kết quả khá, có nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, hạng 4 sao như các huyện: Hải Hậu có 78 sản phẩm, Giao Thủy có 58 sản phẩm, thành phố Nam Định có 23 sản phẩm… Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao và Chương trình OCOP.

Tuy nhiên, phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh diễn ra chưa đồng đều giữa các địa bàn, khu vực, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm. Đến nay, trên toàn tỉnh chưa có xã, thị trấn nào được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh thì kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là các tiêu chí về môi trường, sản xuất, thu nhập. Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón ở một số địa phương còn nhiều bất cập, không hợp lý dẫn đến quá tải và không đảm bảo vệ sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tiến độ thi công các công trình cung cấp nước sạch tập trung tại một số xã còn chậm. Hiệu quả huy động nguồn lực xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở một số địa phương còn hạn chế. Tiến độ phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022 còn chậm...

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên trước hết là do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 làm giảm kết quả huy động nguồn lực xã hội hóa và làm chậm tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Các tiêu chí mới đưa ra các yêu cầu khá cao. Chẳng hạn, theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu thì tiêu chí an ninh trật tự đưa ra yêu cầu “trong 3 năm liên tục trước năm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu, trên địa bàn xã không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; không có công dân thường trú ở xã phạm tội; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm”. Mặt khác, một số bộ, ngành liên quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí liên quan làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả triển khai thực hiện chương trình của địa phương. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện tiêu chí về bảo vệ môi trường, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón chưa được thực hiện rộng rãi...

(Còn nữa)
Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202208/hien-thuc-hoa-bo-tieu-chi-quoc-gia-trong-xay-dung-nong-thon-moi-tren-que-huong-nam-dinh-ky-1-2552730/