Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

A Lưới từ lâu đã gắn liền với hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chăm chỉ làm ăn, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để tránh bão lũ, bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.

Gia đình chị Huyền vui mừng khi ước mơ "an cư lạc nghiệp" trở thành hiện thực

Gia đình chị Huyền vui mừng khi ước mơ "an cư lạc nghiệp" trở thành hiện thực

Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện đời sống của các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS, đáng chú ý là Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Tại huyện A Lưới, chương trình này đã góp phần tích cực giúp người dân cải thiện điều kiện sống, nhất là trong việc xây dựng nhà ở kiên cố.

Một trong những câu chuyện điển hình là trường hợp của chị Cao Thị Minh Huyền, người dân tộc thiểu số ở thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, với nguồn thu nhập chủ yếu từ việc làm nương rẫy và chăn nuôi bò. Trước đây, ngôi nhà của chị Huyền chỉ là một căn nhà gỗ tạm bợ, không thể chống chọi được mưa bão. “Nhà tôi trước đây rất nóng vào mùa hè và khi mưa, nước dột khắp nơi. Cuộc sống vốn đã khó khăn nên mơ về một căn nhà kiên cố là điều chúng tôi không dám nghĩ tới”, chị Huyền chia sẻ.

Nhờ sự hỗ trợ từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới, gia đình chị Huyền đã được vay 40 triệu đồng theo chính sách tín dụng ưu đãi của Nghị định 28. Với số tiền này, cùng với khoản hỗ trợ từ Nhà nước và một phần tích lũy của gia đình, ngôi nhà mới của gia đình chị Huyền đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2024. Ngôi nhà đang dần hoàn thiện và chuẩn bị được đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui lớn cho cả gia đình.

Chị Huyền xúc động: “Gia đình tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và NHCSXH. Nếu không có chính sách vay ưu đãi này, không biết đến bao giờ chúng tôi mới có thể xây được căn nhà mới, vững chãi thế này. Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, cả gia đình luôn phải lo lắng vì nhà cũ rất yếu, dột nát. Bây giờ, có ngôi nhà mới này, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Từ đây, gia đình tôi có thể tập trung làm ăn, phát triển kinh tế”.

Từ khi chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 được triển khai, hàng trăm gia đình nghèo ở A Lưới đã được hưởng lợi. Theo thống kê của NHCSXH huyện A Lưới, đến nay, đã có 24,28 tỷ đồng được giải ngân, giúp xây dựng mới 607 căn nhà cho người dân. Những ngôi nhà mới không chỉ giúp bảo vệ người dân khỏi thiên tai, mà còn tạo điều kiện cho họ tập trung phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ngoài việc hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở, chương trình còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi, chương trình đã giúp người dân có thêm nguồn lực để đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi, và các hoạt động sản xuất khác, từ đó tạo ra thu nhập ổn định. Những ngôi nhà mới được xây dựng không chỉ là nơi ở an toàn, mà còn là bước đệm vững chắc để người dân vươn lên thoát nghèo.

Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới cho hay: “Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo tại A Lưới là một phần quan trọng trong Chương trình MTQG 1719. Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tay đúng người cần và được sử dụng hiệu quả. Mỗi căn nhà được xây dựng không chỉ là nơi ở, mà còn là động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.

“Để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đúng đối tượng, chính quyền địa phương cùng các ban ngành liên quan đã thành lập các đoàn giám sát, bao gồm đại diện từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Sở Xây dựng, NHCSXH và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn giám sát này thường xuyên kiểm tra tiến độ và chất lượng của các dự án xây dựng nhà ở, đồng thời lắng nghe ý kiến của người dân để điều chỉnh chính sách khi cần thiết”, ông Thắng nói.

Ngoài nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều nguồn lực khác từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm cũng được huy động để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo. Những khoản hỗ trợ này, dù nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân khi xây dựng nhà ở mới. Đây cũng là minh chứng cho sự chung tay của cả cộng đồng trong việc xóa đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống cho đồng bào DTTS.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-cho-nguoi-ngheo-147513.html