Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao... Để hoàn thành mục tiêu, Trung ương đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó: Xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN), ĐMST đi trước một bước… Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2024), trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh những cải cách mạnh mẽ, toàn diện của cuộc cách mạng chuyển đổi số, xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, hình thành “phương thức sản xuất số”. Và để đạt mục tiêu đó, theo Tổng Bí thư, một trong những nội dung cấp thiết là “khuyến khích ĐMST, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”…
Tại Hội nghị “Phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Theo Bộ trưởng: “Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta; được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Khi đề cập về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ với báo chí: “Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần hình thành được hệ thống ĐMST quốc gia gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu trong các ngành có giá trị xuất khẩu và doanh thu lớn. Cần xây dựng và phát triển các nền tảng ĐMST mở, mạng lưới ĐMST mở. Phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học - công nghệ và ĐMST trong doanh nghiệp, thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và ĐMST; khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu, trung tâm ĐMST...”. Có thể nói trong giai đoạn mới, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng ta tiếp tục nhận rõ vai trò và sứ mệnh đi trước mở đường của ĐMST, coi đây là "nội dung cốt lõi", là "chìa khóa", là "thời cơ ngàn năm có một" để Việt Nam tiếp tục bứt phá, vươn lên thịnh vượng, hùng cường trong kỷ nguyên số. Tinh thần và nhiệt huyết đó truyền đi như "mạch nguồn" cảm hứng vô tận, đã và đang động viên, thôi thúc cộng đồng các doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT khẳng định: “Tôi kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam, các Startup hoặc đang làm việc ở các tập đoàn trong và ngoài nước, hãy tích cực ĐMST. Chúng tôi cho rằng chuyển đổi số, công nghệ là con đường duy nhất để trưởng thành, phát triển và ĐMST là nền tảng của sự phát triển bền vững, nên chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ với tất cả năng lực, sẵn sàng bảo trợ cho các đề án đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kết nối với các quỹ đầu tư trên thế giới và hỗ trợ tiếp cận thị trường”.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong hướng tới ngành công nghệ cao - công nghệ lõi "Do người Việt - Cho toàn cầu", Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel xác định trách nhiệm cùng hợp tác với các doanh nhân - doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thúc đẩy ĐMST, xây dựng kinh tế nước nhà. Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel chỉ rõ: “Sáng kiến, ý tưởng ĐMST không phải ghê gớm gì cả, phải từng ngày trong công việc, phải có những ý tưởng để công việc tốt hơn…”.
Những thành quả bước đầu mà các ngành, các doanh nghiệp đã có được trong tiến trình ĐMST là tiền đề quan trọng để chúng ta bước tiếp, tạo ra" làn sóng mới", thành tựu mới trong ĐMST, làm cho các chủ trương của Đảng ngày càng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả to lớn trong thời điểm nước rút hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
ĐMST không chỉ được Đảng sớm chỉ đạo mà Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt vào cuộc như một cuộc cách mạng về công nghệ mới để tạo cú hích mới đưa nền kinh tế nước ta vững vàng trên con đường hội nhập, làm cho Việt Nam trong tương lai không xa trở thành Trung tâm ĐMST thế giới. ĐMST là một cuộc cách mạng lấy doanh nghiệp là chủ thể, chuyển đổi số toàn diện là đích đến, ứng dụng các thành quả khoa học - công nghệ trên thế giới và trong nước vào sản xuất, kinh doanh là nền tảng cốt lõi. Doanh nghiệp doanh nhân Việt phát huy ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo vốn có, đặc biệt là dám nghĩ, dám làm cùng với Đảng, Chính phủ vào cuộc một cách tích cực, coi ĐMST là thời cơ, là sự sống còn, quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Để góp phần thực hiện thành công các đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công cuộc ĐMST cần hướng tới một số nhiệm vụ và giải pháp trọng yếu: Vấn đề trước tiên là quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ĐMST để có một tâm thế mới vững vàng, một điểm tựa vững chắc có thể triển khai thực hiện một cách căn cơ, bài bản. Do vậy, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và lãnh đạo doanh nghiệp phải thật sự nghiêm túc, coi trọng, đề cao ý thức trong học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Đảng. Cùng với đó, cần phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong cấp ủy, vai trò của đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, tạo sức lan tỏa chủ trương của Đảng về ĐMST, làm cho tinh thần ĐMST trong doanh nghiệp là lẽ sống, là tư tưởng chủ đạo, là nền tảng cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình hoạch định con đường phát triển. Về lâu dài, có chiến lược xây dựng tinh thần ĐMST trở thành một nét văn hóa doanh nghiệp, mang đậm bản sắc doanh nhân Việt trên con đường đổi mới, tự cường vì một Việt Nam thịnh vượng. Đối với thế hệ trẻ, người có sứ mệnh vừa tạo nền tảng, vừa thực hiện, vừa tiên phong trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; cần nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm hiệu quả cao. Các trường đại học, viện nghiên cứu tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, chế độ đãi ngộ... Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy ĐMST để khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức tích cực thực hiện ĐMST. Cần xây dựng các chính sách và biện pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, tổ chức đổi mới và khởi nghiệp, bao gồm cả việc thành lập các quỹ ĐMST, đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp. Việc thực thi chính sách cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương để đạt hiệu quả cao nhất. Các biện pháp hỗ trợ có thể thông qua vay vốn ưu đãi, giảm thuế hoặc miễn giảm phí; hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, tăng cường việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hoàn thiện các cơ chế bảo vệ, như: Cấp bằng độc quyền, kiểm soát vi phạm bản quyền hoặc hỗ trợ xử lý tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cả về thời gian và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; có chế độ ưu đãi thỏa đáng cho nhà khoa học, kỹ sư và nghiên cứu viên thực hiện các chương trình hợp tác công - tư về nghiên cứu phát triển. Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo quốc tế trong và ngoài nước. Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá toàn diện, bền vững để khuyến khích doanh nghiệp ĐMST, nhân rộng những "ngôi sao" ĐMST nhằm khích lệ, dẫn dắt, lan tỏa quá trình ĐMST; kịp thời tôn vinh những doanh nghiệp, địa phương, mô hình có thành tích nổi bật trong ĐMST. Đối với các doanh nghiệp, khơi dậy động lực nội sinh, tự lực tự cường, khuyến khích sự sáng tạo, chủ động, không ngại thử nghiệm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, học hỏi kinh nghiệm từ những thất bại trong quá trình ĐMST. Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ĐMST để học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển, kiến tạo một hệ thống ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nội địa. Chính phủ và các doanh nghiệp cần thúc đẩy quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và ĐMST, xem đây là một yếu tố then chốt để khai thác tiềm năng của Việt Nam và tận dụng nguồn lực quốc tế một cách tối ưu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ĐMST thực sự trở thành "cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện" là quá trình tất yếu đặt ra đối với từng chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST. Ở đó, trong từng bước đi, từng giai đoạn, không thể tách rời với quá trình lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, làm cho đất nước "vươn mình trong kỷ nguyên mới" như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã hiệu triệu, tiếp tục tạo nên những "kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần "xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc”.