Hiệp định EVFTA và IPA thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Việt Nam và EU
Thông tin từ Bộ Công Thương, chiều 30/6, tại Văn phòng Chính phủ, lễ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việt Nam và EU cũng ký Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Ủy ban Châu Âu (EC) và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) diễn ra vào Chủ nhật, ngày 30/ 6/2019 tại Hà Nội. Tiếp sau việc thực thi Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (PCA), hai Hiệp định này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi, Hiệp định EVFTA và IPA được xây dựng dựa trên cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ. Các Hiệp định này cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của EU với khu vực Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và EU nhằm hướng tới quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn giữa hai khu vực.
Sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện Châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU. Chúng tôi hy vọng các Hiệp định này sẽ được các cơ quan lập pháp nhanh chóng phê chuẩn trong những tháng tới để cho phép các doanh nghiệp, công nhân, nông dân và người tiêu dùng của Việt Nam và EU gặt hái lợi ích của các Hiệp định trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam và Liên minh Châu Âu cam kết mạnh mẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA và IPA và sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo cả hai bên phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo các Hiệp định này. Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam xác định và triển khai kế hoạch thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho các cải cách và điều chỉnh cần thiết, bao gồm cả trong các lĩnh vực như các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và rào cản phi thuế quan.
Ngoài lợi ích kinh tế, Hiệp định EVFTA và IPA cũng hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả Việt Nam và EU. Vì vậy, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA. EU hoan nghênh các bước tiến tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam về các vấn đề lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước ILO 98 về thương lượng tập thể và kế hoạch thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi tại phiên họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019. EU cũng hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ trình Công ước ILO 105 và 87 lên Quốc hội Việt Nam để xem xét phê chuẩn. Sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực hiện Chương Thương mại và Phát triển bền vững ở cả EU và Việt Nam thông qua Nhóm Tư vấn trong nước là rất quan trọng đối với hiệu quả của Chương.
Hiệp định EVFTA và IPA là phần không thể thiếu trong khung khổ được thiết lập bởi Hiệp định PCA - Hiệp định điều chỉnh mối quan hệ song phương tổng thể giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm hợp tác phát triển, hòa bình và an ninh, thương mại và đầu tư, hợp tác tư pháp, các vấn đề xã hội, quản trị tốt, thượng tôn pháp luật và các vấn đề mà hai bên có lợi ích chung khác.
EU và Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác để đảm bảo các Hiệp định đầy tham vọng này có thể phát huy hết tiềm năng của mình.