Hiểu đúng về các mũi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Các vắc xin được sử dụng bao gồm: Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V, Verocell. Đến nay, đa phần người dân đã được tiêm chủng từ 2-3 lần vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt có nhiều người đã được chủng ngừa COVID-19 đến lần thứ 4.

Tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh.

Tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người dân không hiểu về các mũi vắc xin trong quá trình tiêm chủng gồm những mũi nào, dẫn đến nhiều người bỏ lỡ các mũi tiêm, hoặc không tiêm phòng đúng thời gian, số lượng quy định, ảnh hưởng đến chất lượng phòng chống bệnh và sự miễn dịch của cơ thể trước bệnh dịch, nhất là khi có thể xuất hiện các làn sóng dịch mới.

Anh Trần Văn Tùng, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin, nhưng sau đó mắc COVID-19. Khi mắc bệnh rất nhẹ, chỉ vài ngày là khỏi và hoàn toàn khỏe mạnh, đi làm trở lại bình thường. Nhưng sau thời gian khỏi bệnh 3 tháng, tôi cũng không biết có nên tiêm thêm mũi vắc xin thứ 4 hay không. Tôi cũng không hiểu mũi vắc xin tiếp theo này là mũi tăng cường hay bổ sung, nhắc lại...

Tương tự anh Tùng, bà Trần Thị Hiên, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) năm nay gần 70 tuổi cũng đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, hiện không biết có nên tiêm mũi thứ 4 hay không. Bà Hiên cho biết, tôi được nhân viên y tế thông báo đến lịch tiêm mũi thứ 4, nhưng khá lăn tăn vì không biết có nên tiêm và có cần thiết không. Các con thì mỗi người mỗi ý, người bảo tiêm, người bảo không cần thiết phải tiêm phòng nữa vì dịch bệnh hiện đã được kiểm soát tốt...

Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang cho tiêm chủng phổ biến các loại vắc xin ngừa COVID-19 được nhập từ các nước như: Anh, Mỹ, Ấn Độ. Mỗi loại vắc xin có thành phần khác nhau và cơ chế tác động, sản sinh kháng thể khác nhau. Nhưng điểm chung của các loại vắc xin hiện đang được tiêm là mỗi người phải tiêm ít nhất đủ 2 mũi theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Để các cơ sở tiêm chủng, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh hiểu đúng về tên gọi các mũi tiêm và tiếp tục chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, mới đây, Sở Y tế thống nhất tên gọi các mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo đó, về khái niệm mũi tiêm và liều cơ bản, bao gồm: Mũi 1, là mũi tiêm đầu tiên trong liều cơ bản; mũi 2, là mũi tiêm thứ 2 trong liều cơ bản. Đối với mũi bổ sung, là mũi tiêm thứ 3 cho các đối tượng có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (người cấy ghép tạng, suy thận mãn, ung thư, HIV..., người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng), đối tượng đã tiêm 02 mũi vắc xin Sputnik V hoặc vắc xin Verocell trong vòng 03 tháng sau khi tiêm mũi 2. Theo Bộ Y tế, mũi tiêm này gọi là mũi tiêm bổ sung, không gọi và không báo cáo là mũi thứ 3.

Đối với liều cơ bản, là số liều vắc xin cần tiêm để cơ thể có đủ miễn dịch phòng chống bệnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cụ thể là: Đối với người tiêm vắc xin Astra Zeneca, Pfizer, Moderna (không tính người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng) thì người tiêm đủ liều cơ bản là người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trên. Đối với người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, người tiêm 02 mũi vắc xin Sputnik V hoặc vắc xin Verocell thì người tiêm đủ liều cơ bản là người sau khi đã tiêm mũi bổ sung (mũi bổ sung sau mũi thứ 2 trong trong vòng 3 tháng)

Về khái niệm mũi nhắc lại, là liều vắc xin được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin, của Bộ Y tế. Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vắc xin. Gồm mũi nhắc lại lần 1, là mũi tiêm nhắc lại sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản (Bộ Y tế hướng dẫn tiêm sau liều cơ bản 3 tháng và báo cáo là tiêm mũi 3). Mũi nhắc lại lần 2, là mũi tiêm sau mũi nhắc lại lần 1 (Bộ Y tế hướng dẫn tiêm sau mũi nhắc lại lần 1 là 4 tháng và báo cáo là tiêm mũi 4).

Đối với các đối tượng đã tiêm mũi bổ sung (có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng; đối tượng tiêm 2 mũi đầu bằng vắc xin Sputnik V hoặc vắc xin Verocell, thì mũi nhắc lại lần 1 là mũi tiêm nhắc lại sau khi tiêm đủ liều cơ bản (đủ 3 mũi tiêm), mũi tiêm nhắc lại này vẫn được gọi và báo cáo là mũi 3 (không được tính là mũi 4). Mũi nhắc lại lần 2 là mũi tiêm sau mũi nhắc lại lần 1, vẫn được gọi và báo cáo là mũi 4 (không được tính là mũi 5).

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, tính đến ngày 30/5, số lượng vắc xin tỉnh Ninh Bình đã nhận là 2.151.351 liều. Kết quả đã tiêm là 2.356.854 liều (số liều tiêm chủng đạt cao hơn liều nhận là do có một số bệnh viện Trung ương đã tổ chức tiêm phòng cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Trong đó, tỷ lệ tiêm vắc xin của người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 99,77% (664.226 người); tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 99% (659.359 người); tỷ lệ bao phủ mũi 3 đạt 90,7% (603.903 người). Đồng thời, tiêm mũi bổ sung cho các đối tượng là 226.626 người.

Đối với nhóm tuổi từ 12-17 tuổi, tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 100% (84.241 người); tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 95,2% (78.947 người). Nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 31,38% (39.793 người); tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 0,26% (342 người). Qua đánh giá hầu hết là phản ứng mức độ nhẹ, không ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hieu-dung-ve-cac-mui-tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19/d2022052914425198.htm