Hiểu đúng về khả năng hút bụi của máy lọc không khí

Sử dụng máy lọc không khí có thể giảm thiểu lượng bụi trong nhà. Tuy nhiên, bạn cần vệ sinh bộ lọc thường xuyên để đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả.

 Máy lọc không khí có thể hút bụi và các loại hạt gây dị ứng như phấn hoa. Ảnh minh họa: Vitesy.

Máy lọc không khí có thể hút bụi và các loại hạt gây dị ứng như phấn hoa. Ảnh minh họa: Vitesy.

Trong quá trình dọn dẹp nhà, mọi người luôn cố gắng làm sạch bụi bám ở cửa và trên bề mặt đồ nội thất. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn bụi là điều bất khả thi.

Ngoài lau chùi nhà cửa, giặt giũ ga trải giường, bạn cũng có thể sử dụng thêm máy lọc không khí để giảm thiểu lượng bụi tích tụ trong nhà. Dưới đây, Homes and Gardens giúp bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng thiết bị này.

Cách hoạt động

Máy lọc không khí sử dụng nhiều bộ lọc để "bẫy" các hạt trong không khí như bụi, phấn hoa, lông và da chết của thú cưng. Bộ lọc của máy sẽ giữ lại các hạt này khi hút không khí vào thiết bị, sau đó thổi không khí mới trở lại phòng.

Tuy nhiên, máy chỉ có thể loại bỏ bụi đang lưu thông trong không khí, chứ không thể lọc bụi bám trên các bề mặt. Vì vậy, bạn vẫn nên thường xuyên làm sạch sàn nhà, đồ đạc và giường để giũ bụi ra khỏi các vật dụng.

Trong một căn phòng nhỏ, thiết bị này mất khoảng 30 phút để làm sạch bụi. Còn với các không gian lớn hơn, thời gian có thể lên đến 2-3 giờ.

Lưu ý

Máy lọc không khí giúp loại bỏ bụi nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên thiết bị sẽ không phát huy hết hiệu quả nếu chỉ được đặt ở góc phòng.

Theo Taras Stomic, giám đốc tại hãng sửa chữa đồ gia dụng Home Alliance (Mỹ), bạn nên bảo dưỡng máy thường xuyên để kéo dài tuổi thọ của thiết bị, đồng thời đảm bảo khả năng lọc không khí và cải thiện sức khỏe.

Dưới đây là một vài lưu ý khác khi sử dụng máy lọc không khí trong nhà.

 Không vệ sinh bộ lọc sẽ cản trở quá trình lọc bụi và không khí. Ảnh minh họa: The New York Times.

Không vệ sinh bộ lọc sẽ cản trở quá trình lọc bụi và không khí. Ảnh minh họa: The New York Times.

Thường xuyên vệ sinh và thay bộ lọc

Các bộ lọc có thể bị tắc theo thời gian và làm giảm khả năng hoạt động của thiết bị.

Thông thường, các bộ lọc nên được làm sạch hoặc thay thế khoảng 3-6 tháng một lần, tùy thuộc vào loại máy và tần suất sử dụng.

Máy được thiết kế với nhiều bộ lọc khác nhau để "bẫy" các loại hạt. Vì vậy, bạn nên nghiên cứu kỹ để đảm bảo mình thay đúng loại.

 Bật máy cả ngày sẽ giảm thiểu lượng bụi có trong không khí. Ảnh minh họa: Good House Keeping.

Bật máy cả ngày sẽ giảm thiểu lượng bụi có trong không khí. Ảnh minh họa: Good House Keeping.

Chạy thiết bị liên tục ở tốc độ cao

Nếu muốn không khí trong nhà luôn sạch sẽ, tươi mới, bạn cần phải bật thiết bị cả ngày.

Nhiều máy lọc được thiết kế để ít phát ra tiếng ồn dù chạy ở tốc độ cao. Vì vậy, bạn có thể bật thiết bị ở mức cao nhất mà không cảm thấy quá ồn ào.

 Bạn không nên đặt máy gần tường hay các đồ nội thất lớn. Ảnh minh họa: Vitesy.

Bạn không nên đặt máy gần tường hay các đồ nội thất lớn. Ảnh minh họa: Vitesy.

Đặt máy lọc ở vị trí trung tâm

Vị trí đặt thiết bị cũng ảnh hưởng đến khả năng lọc bụi và không khí.

Bạn không nên đặt máy quá gần tường hoặc các đồ vật khác bởi điều này sẽ cản trở luồng không khí sạch khi chúng được thổi ra ngoài. Vị trí tốt nhất là đặt ở trung tâm của căn phòng.

 Đóng cửa khi sử dụng sẽ giúp máy hoạt động hiệu quả. Ảnh minh họa: The Spruce.

Đóng cửa khi sử dụng sẽ giúp máy hoạt động hiệu quả. Ảnh minh họa: The Spruce.

Đóng cửa khi bật máy

Khi bật máy lọc không khí, bạn nên đóng chặt cửa để ngăn bụi và phấn hoa bay vào trong nhà.

Nếu mở cửa, máy có thể bị quá tải và không thể cải thiện chất lượng không khí.

 Bụi có thể tích tụ ở các bộ phận bên trong máy. Ảnh minh họa: The Spruce.

Bụi có thể tích tụ ở các bộ phận bên trong máy. Ảnh minh họa: The Spruce.

Làm sạch bên trong máy

Ngoài bộ lọc, người dùng nên làm sạch cả cánh quạt và lỗ thông hơi để ngăn bụi tích tụ ở đây.

Bạn nên lau các bề mặt bên ngoài bằng vải mềm, ẩm để loại bỏ bụi và các mảnh vụn. Sau đó, hãy làm sạch các lỗ thông hơi hút và thoát khí bằng bàn chải hoặc phụ kiện của máy.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hieu-dung-ve-kha-nang-hut-bui-cua-may-loc-khong-khi-post1411862.html