Hiệu quả bước đầu từ nuôi lươn thương phẩm

Đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Tuyên, ở xóm Cà, xã Tân Khánh (Phú Bình), đã đầu tư xây dựng bể xi măng để nuôi lươn thương phẩm.

Từ tháng 4/2023 đến nay, ông Tuyên đã xuất bán được 3.800kg lươn, thu lãi trên 150 triệu đồng.

Từ tháng 4/2023 đến nay, ông Tuyên đã xuất bán được 3.800kg lươn, thu lãi trên 150 triệu đồng.

Đến thăm mô hình nuôi lươn của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, chúng tôi quan sát thấy hàng chục bể xi măng được xây dựng sát nhau. Trên mặt bể, từng chùm dây nilon được treo để tạo nơi trú ẩn cho lươn. Phía dưới là hàng nghìn con lươn đang chen nhau bơi. Ông Tuyên giới thiệu, mỗi bể có diện tích 4-6m2, thành bể cao 45cm - đúng theo tiêu chuẩn để nuôi lươn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuyên chia sẻ về “cơ duyên” đến với nghề nuôi lươn: Nhiều năm nay, tôi vẫn nuôi gà thả đồi và coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, với sở thích khám phá, thử nghiệm cái mới, qua vài lần tham quan mô hình nuôi lươn thương phẩm ở một số tỉnh, tôi nhận thấy đây là một cách làm rất hay, có khả năng mang lại thu nhập khá cho người nuôi. Vì thế, song song với việc nuôi gà thả đồi, tôi đã tìm hiểu và áp dụng thêm mô hình nuôi lươn thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cũng theo chia sẻ của ông Tuyên, ông đã thử nghiệm nuôi lươn từ 4 năm trước. Khi đó, ông bắt lươn đồng về để nhân giống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong việc ấp nở trứng nên tỷ lệ sống của lươn giống chỉ đạt 40-50%. Sau này, khi kinh nghiệm được đúc rút, ông Tuyên đã chế tạo máy ấp nở trứng lươn, nâng tỷ lệ sống của lươn giống sau khi ấp nở đạt trên 95%.

Sau nhiều năm học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đến khi thành thạo quy trình sản xuất lươn giống, năm 2022, ông Tuyên đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng 40 bể bằng xi măng, với đầy đủ hệ thống ống cấp nước, thoát nước để dễ dàng, chủ động trong việc thay nước cho lươn.

Hiện, ông đang nuôi 1.500 con lươn bố mẹ; 10.000 con lươn thương phẩm và khoảng 20.000 con lươn giống. Với đặc điểm của loài lươn là không ưa ánh sáng, sống trong môi trường sạch sẽ… nên toàn bộ bể nuôi lươn đều được ông Tuyên xây dựng có mái che. Nước giếng sau khi bơm lên bể chứa, được để lắng ít nhất 12 giờ để không còn tạp chất, kim loại nặng…, đảm bảo các điều kiện cần thiết để lươn không bị mắc bệnh và sống khỏe mạnh.

Theo ông Tuyên, nuôi lươn không tốn nhiều công vì mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 lần. Thức ăn cho lươn cũng đa dạng, có thể chăn bằng thức ăn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp (không ươn thối); cám dành cho cá da trơn hoặc sử dụng giun chùn quế. Sau thời gian nuôi 8-9 tháng, con lươn đạt trọng lượng từ 350-450 gam/con thì được xuất bán. Tùy vào kích cỡ, lươn thương phẩm được bán với giá dao động từ 120 đến 180 nghìn đồng/kg.

Ông Tuyên nhẩm tính: Từ tháng 4/2023 đến nay, tôi đã bán được 3.800kg lươn thương phẩm cho thương lái. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn bán lươn giống và chia sẻ kỹ thuật nuôi lươn cho hàng trăm lượt người có nhu cầu nuôi ở trong và ngoài địa bàn.

Ông Bùi Văn Tảng, ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, nói: Tham quan mô hình nuôi lươn của gia đình ông Tuyên, tôi thấy đây là cách làm rất hay, không những tốn ít chi phí chăn nuôi mà còn tiết kiệm được nhiều công lao động. Thời gian tới, có lẽ tôi sẽ tìm hiểu thêm kỹ thuật và mua con giống về nuôi để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Có thể thấy rằng, mô hình nuôi lươn thương phẩm và bán lươn giống của ông Tuyên bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, được nhiều người biết đến và học tập. Nhằm đa dạng các sản phẩm từ con lươn, ông Tuyên đã xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ con lươn, như: lươn hút chân không, thịt lươn sấy, bột lươn, súp lươn khô… ở tỉnh Hòa Bình để phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo nghiên cứu, thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất, được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/hieu-qua-buoc-dau-tu-nuoi-luon-thuong-pham-e0d3347/