Hiệu quả Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường vùng cao Tuyên Quang
Được sử dụng nước hợp vệ sinh, người dân giảm bớt nỗi lo bệnh tật từ nguồn nước; có các công trình vệ sinh đạt chuẩn, ý thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân cũng được nâng lên…
Với việc quản lý, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang giúp nhiều hộ dân của huyện vùng cao Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh… theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chương trình đã góp phần giúp người dân nơi đây nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa cho biết: Hùng Mỹ là xã thuộc Chương trình 135, còn nhiều khó khăn của huyện Chiêm Hóa. Xã có trên 1.370 hộ dân, trong đó trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày.
Để giúp người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh cũng như có các công trình vệ sinh đạt chuẩn, những năm qua, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai kịp thời Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Sau khi người dân được vay vốn, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, đảm bảo vốn vay phải được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất.
Ông Đỗ Văn Hiếu cho biết thêm: Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, 100% số hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chí nông thôn mới.
Hùng Mỹ cũng là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Chiêm Hóa có 100% hộ dân đã có nhà tiêu hợp vệ sinh đã được huyện công nhận đạt tiêu chí ODF (Cộng đồng không phóng uế bừa bãi). Được sử dụng nước hợp vệ sinh, người dân trong xã giảm bớt nỗi lo bệnh tật từ nguồn nước; có các công trình vệ sinh đạt chuẩn, ý thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân cũng được nâng lên…
Chị Ma Thị Nhung, dân tộc Tày, thôn Hùng Tiến, xã Hùng Mỹ chia sẻ: "Những năm trước, gia đình tôi phải thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Tháng 6 vừa qua, gia đình được tạo điều kiện vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa theo Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ nguồn vốn vay này, gia đình đã xây dựng được công trình vệ sinh đạt chuẩn và làm đường ống dẫn nước từ trên núi về. Nhờ đó, gia đình đã có đủ nước sinh hoạt, không còn phải đi xin nước nhà hàng xóm như trước nữa. Tôi cảm thấy, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội rất hữu ích, thủ tục cho vay nhanh gọn, thuận tiện, lãi suất thấp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế của những người nông dân như chúng tôi".
Không chỉ ở Hùng Mỹ, nguồn vốn tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường còn giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có điều kiện sống tốt hơn nhờ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh…
Bà Mã Thị Lậu, dân tộc Tày, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa cho biết: "Suốt mấy chục năm qua, gia đình tôi phải sử dụng nước giếng đào ở dưới cánh đồng, cách nhà gần 100m. Biết là nguồn nước không đảm bảo nhưng do không có điều kiện nên gia đình tôi vẫn phải sử dụng. Năm 2019, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã xây dựng được các công trình vệ sinh đạt chuẩn, khoan được giếng mới gần nhà, qua đó được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Từ khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, tôi cũng như người thân trong gia đình đã không còn mắc các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh về mắt, các bệnh về da liễu nữa. Gia đình tôi phấn khởi lắm, sức khỏe đảm bảo rồi, giờ an tâm phát triển kinh tế thôi…".
Ông Vũ Đình Phong, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa cho biết: Để quản lý nguồn vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, hằng năm, Phòng giao dịch chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, hướng dẫn người dân về các thủ tục liên quan đến hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay…
Tính từ đầu năm 2020 đến 4/11/2020, tổng dư nợ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt trên 19 tỷ đồng, với trên 1.000 hộ vay, bình quân 18 - 20 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cũng được nâng lên, góp phần giúp các xã xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Đình Phong cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng giao dịch tiếp tục bám sát vào các mục tiêu, nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đặc biệt là các xã đang trong lộ trình về đích nông thôn mới, rà soát nhu cầu vay vốn của người dân; tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ Chương trình cho vay này của Ngân hàng Chính sách xã hội; chuẩn bị vốn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay của nhân dân…/.