Hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở TP. Bắc Kạn
Thành phố Bắc Kạn đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyền Tụng là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế. Gần trung tâm thành phố nhưng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, do đó phường đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nhận thức của người dân ngày càng nâng lên. Bà con mạnh dạn phát triển kinh tế với các mô hình như: Sản xuất rau, quả trên hệ thống thủy canh bán tuần hoàn; sản xuất rau trong nhà mái che và sản xuất rau ngoài đồng, trồng trái vụ dưới vòm che thấp… góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Ông Lưu Văn Đoan, tổ trưởng tổ Phiêng My, phường Huyền Tụng cho biết: “Nhiều hộ dân tại đây rất mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mấy năm gần đây, bà con học tập nhau thực hiện mô hình trồng dưa bao tử, cà chua… trong nhà lưới. Một số hộ đầu tư trồng nhiều héc-ta cỏ voi để nuôi trâu vỗ béo. Việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt diện mạo kinh tế - xã hội của Phiêng My những năm gần đây”.
Bên cạnh phường Huyền Tụng, ở các xã, phường như: Sông Cầu, Dương Quang… cũng xuất hiện nhiều hộ làm nông nghiệp thành công nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Chị Phạm Thị Vân, tổ 11B, phường Sông Cầu cho biết: Tuy ở thành phố nhưng cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, sau khi tích cực tự nghiên cứu, học hỏi, gia đình tôi mạnh dạn xây dựng nhà lưới để trồng hoa và trồng dưa. Mô hình trồng cây trong nhà lưới không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trong nhiệm kỳ qua, thành phố đã chuyển đổi 35ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây lâu năm giá trị kinh tế cao. Diện tích đất có giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha tiếp tục mở rộng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Mức thu nhập bình quân của người dân thành phố từ 33 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 50 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,9% năm 2016 xuống còn 1,68% năm 2020.
Chia sẻ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, bà Vũ Thị Kiểm- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Bắc Kạn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã triển khai thành công mô hình ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa (SRI) và mô hình áp dụng kỹ thuật trồng thâm canh cây mướp đắng rừng. Ðây là những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô theo phương thức cũ trước đây. Riêng mô hình trồng mướp đắng, qua hạch toán sơ bộ, hiệu quả kinh tế đạt trên 12,7 triệu đồng/1.000m2/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa hoặc ngô.
Vì vậy, từ thực tiễn sản xuất thí điểm các mô hình trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tuyên truyền người dân thành lập thành hợp tác xã, tổ hợp tác để nhân rộng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp HTX, tổ hợp tác nâng cao năng lực đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài, bền vững.
Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố Bắc Kạn xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp như: Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích các tổ chức kinh tế liên doanh, liên kết với nông dân và các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có tiềm năng, chủ lực của thành phố...
Mục tiêu thành phố đề ra là đến năm 2025, có trên 250ha đất canh tác nông nghiệp đạt thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên; phát triển trồng rau công nghệ cao ở các xã, phường: Dương Quang, Nông Thượng, Xuất Hóa, Huyền Tụng; trung bình mỗi năm có thêm 02 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên…/.