Hiệu quả từ dịch vụ công trực tuyến

Thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ hành chính công ở các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng giúp tăng sự minh bạch, công khai thủ tục hành chính; ngăn chặn nhũng nhiễu, phiền hà... Bên cạnh đó, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh trên môi trường mạng internet cũng giúp các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian, hạn chế chi phí, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán tiền điện ở tỉnh Ninh Bình. (Ảnh LÊ HỒNG)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán tiền điện ở tỉnh Ninh Bình. (Ảnh LÊ HỒNG)

Về xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, Ninh Bình) chúng tôi trao đổi với Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa, Mai Quang Kìn và được biết: Nhờ chuyển đổi số, sản phẩm cá chạch sụn kho niêu đất, đóng gói hút chân không, được lên sàn thương mại điện tử PostMart và xây dựng website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Nhờ vậy, sản lượng cá chạch sụn niêu đất bán ra tăng năm lần, thu nhập người dân tăng gần ba lần so với trước đây.

Lợi ích từ chuyển đổi số

Yên Hòa là xã miền núi, được ngành chức năng chọn làm thí điểm đưa công nghệ số vào cuộc sống, sản xuất làm ăn. Theo đó, Yên Hòa thực hiện xây dựng mô hình "xã thông minh", đến nay đã ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của chính quyền như: Giám sát, điều hành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; giám sát dịch vụ hành chính công và việc xử lý văn bản. Ðồng thời, xã tổ chức phát triển hoạt động kinh tế số, trong đó chú trọng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương như: sản phẩm chạch sụn kho niêu, chuối tây sấy dẻo trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn. Ngoài ra, Yên Hòa còn tập trung xã hội số lĩnh vực y tế, giáo dục… Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đánh giá mô hình chuyển đổi số tại xã Yên Hòa đạt nhiều kết quả. Lợi ích lớn nhất là tạo cho người dân tiếp cận thông tin nhanh; thời gian, chi phí trong đời sống; tăng cường kết nối sản xuất với tiêu dùng thông qua giao dịch số, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhân rộng mô hình chuyển đổi số ở Yên Hòa, tỉnh Ninh Bình có hạ tầng viễn thông bao phủ rộng khắp, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước; trở thành một trong số các tỉnh đi đầu hoàn thành đưa tất cả dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, tích hợp 795 dịch vụ lên cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận và cập nhật trên cổng dịch vụ công của tỉnh Ninh Bình là hơn 447 nghìn, trong đó, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đạt khá cao...

Tại tỉnh Nam Ðịnh, khi thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì loại hình dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả cao vì sự thích ứng, an toàn, linh hoạt. Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nam Ðịnh, Nguyễn Phúc Sơn cho biết: Ðến nay, trung tâm chưa để xảy ra bất cứ trường hợp nào bị từ chối tiếp nhận hồ sơ... Tất cả thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 3, mức độ 4 cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, với 1.344 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành trong tỉnh. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hạn đạt hơn 99,9%. Hiện nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Nam Ðịnh kết nối với các sở, ngành, các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn; niêm yết công khai 1.730 thủ tục hành chính, cung cấp 1.626 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được Trung ương đánh giá cao.

Tỉnh Hà Nam hiện có 1.885 bộ thủ tục hành chính. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có 1.099 bộ thủ tục, chiếm 58,3%; mức độ 3 là 610 bộ thủ tục, chiếm 32,4%. Năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Nam tiếp nhận và cập nhập vào hệ thống 219.486 bộ hồ sơ, trong đó giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,7%.

Chị Chu Thị Thu Thủy, công nhân Công ty YIC ở khu công nghiệp Châu Sơn (Hà Nam) cho biết: Nhờ dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần sử dụng phần mềm điện thoại, hơn 200 công nhân của Công ty YIC mắc Covid-19 đã được giải quyết chế độ nhanh chóng, thuận lợi.

Trong khi đó, đột phá thấy rõ ở mô hình dịch vụ công trực tuyến ‘‘5 tại chỗ’’ từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả liên tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Thái Bình bảo đảm trước hạn, đúng hạn và không có hồ sơ quá hạn. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình, Ðỗ Như Lâm cho biết: Ðến nay, tỉnh hoàn thành xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh với hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu NGSP quốc gia. Mặt khác, Thái Bình luôn chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống làm thay đổi tư duy quản lý, tư duy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia công nghệ thông tin, thì việc phát huy dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã, phường khu vực các tỉnh phía nam vùng đồng bằng sông Hồng chưa cao. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử còn thấp; hệ thống cơ sở dữ liệu còn một số cơ quan, đơn vị chưa hòa nhập cơ sở dữ liệu chung của địa phương; hơn nữa thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân một số vùng nông thôn chưa cao; tạo ra những điểm "nghẽn" không đáng có...

Số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên hệ thống dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình. (Ảnh MAI TÚ)

Số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên hệ thống dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình. (Ảnh MAI TÚ)

Không để ‘‘điểm nghẽn" trở thành rào cản

Nguyên nhân hình thành "điểm nghẽn", theo các chuyên gia công nghệ thông tin, trước hết là do việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cấp xã, phường, thị trấn thiếu toàn diện. Thí dụ như ở Nam Ðịnh, sau một thời gian dài triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhiều xã, thị trấn chưa hết khó khăn, thách thức. Ðó là tình trạng nhân lực đảm nhận công tác hộ tịch, tư pháp, lao động-thương binh, xã hội, thống kê, ở cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều việc. Họ thường xuyên bị luân chuyển, thay đổi vị trí công tác. Do vậy, dù họ được đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số nhưng đến khi thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân như: Làm giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác định tình trạng hôn nhân có lúc, có nơi chưa được hanh thông, trôi chảy. Nguyên nhân khác là do trình độ một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Thậm chí có cán bộ, công chức chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới để hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân…

Chuyển đổi số trong bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép’’, nhiều địa phương phía nam đồng bằng sông Hồng đặt ra tiêu chí phấn đấu khá rõ. Theo ông Ðỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình ban hành Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, phấn đấu trong thời gian tới có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ cấp tỉnh, 80% hồ sơ cấp huyện, hơn 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh đạt 50% trở lên, tạo đà cho kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP của tỉnh. Trong phát triển xã hội số, Thái Bình phấn đấu tất cả hộ dân được tiếp cận dịch vụ internet; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G; 50% số công dân từ 15 tuổi đến 18 tuổi có thẻ thanh toán điện tử.

Trong khi đó, Nghị quyết số 01 của tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được cấp ủy, chính quyền ở đây coi là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025, tất cả dịch vụ công đáp ứng yêu cầu được cung cấp trực tuyến mức độ 4; tất cả cơ quan đảng thực hiện chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính. 90% số người dân được tiếp cận dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh. Kinh tế số chiếm 20% GRDP; 60% số doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Ðức Vượng cho biết: Hà Nam tập trung cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, mới đáp ứng cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Sự nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số còn giúp cho các địa phương phía nam vùng đồng bằng sông Hồng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính công.

Có thể nói, ngoài áp dụng các giải pháp mới về công nghệ số, cấp ủy Ðảng, chính quyền các tỉnh phía nam vùng đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiểu được rõ bản chất những vấn đề nêu trên mới thay đổi được tư duy, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo ra đột phá đưa công tác chỉ đạo điều hành ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Mặt khác, các địa phương cần tập trung hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn đội ngũ nòng cốt về khoa học-công nghệ; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tham gia xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để hướng tới xây dựng chính quyền số thực chất ở từng địa phương ■

HỒNG TÚ, KHÁNH PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/hieu-qua-tu-dich-vu-cong-truc-tuyen-691970/