Hiệu quả từ một chủ trương

PTĐT - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thanh Sơn ngày càng phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng chè và chăn nuôi bò, gia đình anh Nguyễn Xuân Nhân-khu Mật 1, xã Văn Miếu đã thoát nghèo, xây được nhà kiên cố.

Được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng chè và chăn nuôi bò, gia đình anh Nguyễn Xuân Nhân-khu Mật 1, xã Văn Miếu đã thoát nghèo, xây được nhà kiên cố.

Ngay khi Chỉ thị 40-CT/TƯ được ban hành, thực hiện các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Sơn đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương, cơ sở; theo đó, huyện tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện khẳng định: Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trong suốt thời gian qua. Không chỉ là quy mô, chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện đều tăng, mà sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng được tăng cường thể hiện một chính sách tín dụng, mang tính nhân văn sâu sắc. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm tới các hoạt động như tạo lập nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất nhằm giúp Ngân hàng CSXH huyện nói riêng và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung ngày càng phát triển. Đặc biệt, việc hỗ trợ, bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được huyện chú trọng. Nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng cũng lên đến gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời nâng cao năng lực giám sát của người dân. Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên với vai trò nhận ủy thác vốn vay, đã tích cực thực hiện việc bình xét đối tượng vay vốn, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn…Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Lâm khẳng định: Chỉ thị 40 có rất nhiều nội dung, nhưng có một nội dung quan trọng được đề cập tới đó là việc đưa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện. điều này đã tạo điều kiện cho những người đứng đầu cơ sở nắm bắt được nội dung công việc, trực tiếp chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn một cách sát thực, qua đó, hiệu quả của chương trình ngày càng được nâng lên cả về chất và lượng.Xã Võ Miếu là một xã có gần 60% số dân là người dân tộc thiểu số, song với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ từ các nguồn lực, nhất là từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7,5%. Ông Hà Văn Thạo-Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Từ khi là thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện, tinh thần, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn luôn được đề cao. Chính quyền, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã thường xuyên tổ chức khảo sát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giúp Ngân hàng CSXH có cơ sở cho vay; đồng thời thường xuyên chỉ đạo nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu nguồn vốn kịp thời, giải ngân nhanh chóng, đưa vốn đến đúng người thụ hưởng.Có thể thấy, việc cung cấp tín dụng chính sách trong sản xuất và sinh hoạt không những nâng cao mức sống về vật chất cho người dân mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay 15 chương trình trên địa bàn huyện Thanh Sơn đạt gần 380 tỷ đồng, đã có gần 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Từ đó, huyện đã có trên 2.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 1.250 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; trên 3.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 468 nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách được sửa chữa, xây mới…

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201909/hieu-qua-tu-mot-chu-truong-166691