Hiệu quả từ ứng dụng AI trong sản xuất chương trình ở Đài PT&TH địa phương
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang hỗ trợ báo chí theo cách thức chưa từng có, nó không chỉ tăng tốc độ sản xuất nội dung, cải thiện chất lượng mà còn giảm thời gian, chi phí và sức lao động. Ở mỗi địa phương, các Đài Phát thanh và truyền hình (PT&TH) cũng đang tận dụng những ưu điểm của công nghệ AI theo những cách riêng.
Ứng dụng AI trong ngành phát thanh và truyền hình là xu hướng tất yếu
Khi xem các bản tin truyền hình ở nhiều nước trên thế giới, chúng ta dễ dàng bắt gặp các hãng truyền thông đã sử dụng các hệ thống AI để tạo ra các bản tin về thể thao hoặc tài chính dựa trên dữ liệu có sẵn mà không cần sự can thiệp của con người. Một số kênh truyền hình đã sử dụng AI trong việc dẫn chương trình các bản tin… Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng tốc độ cung cấp thông tin.
Đối với Đài PT&TH tỉnh Bắc Giang, hiện nay một số phóng viên của đài cũng đã sử dụng ứng dụng Chat GPT trong việc lấy ý tưởng cho những đề tài mà mình quan tâm. Việc tạo ra nhiều giọng đọc và gương mặt dẫn chương trình mới nhằm mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn của các chương trình phát thanh, truyền hình giúp tăng lượng khán, thính giả theo dõi các chương trình của đài.
AI có khả năng phân tích dữ liệu từ người xem để hiểu rõ hơn về sở thích, thói quen của khán giả khi theo dõi nội dung được đăng tải. Những dữ liệu này giúp nhà sản xuất điều chỉnh nội dung để phù hợp hơn với nhu cầu khán giả, từ đó tối ưu hóa hiệu quả phát sóng và tăng tương tác. Nắm bắt được những ưu thế này những năm qua Đài PT&TH tỉnh Bắc Giang cũng đã phát triển các kênh thông tin trên các nền tảng như web: bacgiangtv.vn Faceboook, youtube… để tận dụng ưu thế này trong truyền tải thông tin đến khán giả.
Là người thường xuyên sử dụng các phần mềm sản xuất video và AI vào quá trình tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn, biên tập viên Đài PT&TH Bắc Giang cho biết: Chúng tôi đã sử dụng AI để nhận diện giọng nói, loại bỏ tạp âm và tối ưu hóa âm thanh, hình ảnh... AI cũng hỗ trợ tính năng tự động cắt và định dạng video cho các nền tảng khác nhau như YouTube, Instagram. Hiện phần mềm này được Đài PT&TH tỉnh Bắc Giang sử dụng trong sản xuất các chương trình PT&TH.
Ứng dụng công nghệ AI để chuyển đổi âm thanh thành văn bản, giúp biên tập viên dễ dàng chỉnh sửa nội dung. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ dịch thuật giúp tiết kiệm thời gian cho các biên tập viên trong việc xử lý nội dung. Những ứng dụng này được các phóng viên, biên dịch viên của Đài PT&TH tỉnh Bắc Giang sử dụng nhiều trong quá trình sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình”.
“Việc ứng dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI trong ngành phát thanh và truyền hình là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc phát triển AI cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng, có kế hoạch để đảm bảo rằng công nghệ này thực sự mang lại hiệu quả tuyên truyền cao cho các chương trình phát thanh, truyền hình và cho khán giả”, nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Luôn học hỏi, cập nhật những tiến bộ của AI
Là đài truyền hình có sức ảnh hưởng lớn và là trung tâm tin tức của TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) đưa AI vào thử nghiệm nhiều khâu quan trọng trong nhà đài, đặc biệt là sản xuất chương trình thời sự. Theo đó, phóng viên sử dụng AI tổng hợp đề tài, sáng tạo nội dung dựa trên những gợi ý do phóng viên đề xuất, dàn trang bố cục và từ đó triển khai thành bản tin hoàn hảo.
Đầu năm 2023, phóng sự “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” dài 4 phút của HTV đã tạo cú hích trong làng báo trước những vấn đề ChatGPT và AI đặt ra.
Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trưởng bộ phận nội dung số, Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, đến nay bộ phận Nội dung số của HTV đã AI hóa thành công. Điều rõ nhất khi các phóng viên thực hiện sản phẩm thông tin khi ứng dụng AI chính là tiết kiệm thời gian.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết: “Với phóng sự, phần kịch bản bình thường mất 1 ngày nhưng với sự hỗ trợ của AI chỉ mất 2 tiếng. AI cũng đưa ra kịch bản hình ảnh và đưa ra mối quan hệ phóng viên, biên tập và quay phim. Trước đây, công đoạn này cần 3 tiếng, nay mất 30 phút. Riêng phần quay phim là AI không thay thế được con người. Như vậy AI đã rút ngắn phần tiền kỳ 60% so với trước”.
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Trần Thịnh cũng khẳng định: “AI dù có tuyệt vời đến đâu cũng chỉ có thể đưa một kịch bản tuyệt vời nhưng thành tác phẩm lại cần phóng viên đi quay, người dẫn chương trình đi phỏng vấn. Không có “Made by AI” trong truyền hình”.
Có thể thấy, ở nhiều Đài PT&TH địa phương dù có cách tiếp cận, sử dụng AI hỗ trợ ở nhiều khâu khác nhau trong quá trình xử lý tài liệu, sản xuất video, tin bài… tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là phải thông qua quy trình biên tập, quản trị nội dung tương tự như tin, bài, sản phẩm khác.
Điều này cho thấy, từng nhà báo, từng tòa soạn phải luôn vận động, học hỏi, cập nhật những tiến bộ của AI để tạo dựng cho mình kỹ năng sử dụng AI một cách thông minh nhất, biến nó thành một thư ký ảo đắc lực nhất trong quá trình chuyển đổi số báo chí.