Hiệu quả xã hội hóa giáo dục ở Yên Minh

BHG - Trong 10 năm gần đây, huyện Yên Minh huy động xã hội hóa được gần 110 tỷ đồng, huy động được hàng nghìn ngày công của nhân dân, giúp xóa được trên 120 điểm trường tạm, bổ sung nhiều trang thiết bị dạy và học cho các trường trên địa bàn.

Yên Minh là 1 trong 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh và là huyện nghèo đặc biệt khó khăn, điều kiện KT – XH, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhất là các trường, lớp học ở vùng sâu, xa, biên giới; trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng nhu cầu. Từ thực tiễn đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục huyện đã tích cực kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trường, điểm trường, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Điểm trường Su Chín, xã Lũng Hồ mới được khởi công từ sự kết nối, hỗ trợ của Quỹ tấm lòng Việt VTV.

Điểm trường Su Chín, xã Lũng Hồ mới được khởi công từ sự kết nối, hỗ trợ của Quỹ tấm lòng Việt VTV.

Ngọc Long là xã có số thôn, hộ và nhân khẩu đông nhất huyện Yên Minh với 25 thôn, trên 1.683 hộ, gần 9.656 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 65,7%. Hiện xã còn 23 điểm trường thôn (tiểu học, mầm non) với tổng số học sinh các cấp trên địa bàn 2.860 em. Cơ sở vật chất trường, lớp học hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Long Nguyễn Văn Môi chia sẻ: Những thành quả trong công tác giáo dục trên địa bàn xã ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, từ năm 2013 đến nay xã nhận được sự hỗ trợ, kết nối hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm xóa được 16 điểm trường tạm, xây dựng 1 làng nội trú cho học sinh bán trú học tại điểm chính trường tiểu học và nhiều trang thiết bị dạy và học cho các trường, lớp. Tổng số tiền xã hội hóa được trên 7,7 tỷ đồng.

Tính từ năm 2013 đến nay, huyện Yên Minh đã huy động xã hội hóa được gần 110 tỷ đồng, xây dựng mới và xóa được 122 điểm trường tạm; làm nhà lắp ghép, sửa chữa nhà lớp học cũ, dột nát, xây dựng nhà vệ sinh, sân chơi tại các trường và điểm trường gần 100 công trình; bổ sung bàn ghế, trang thiết bị dạy học, vui chơi cho học sinh. Qua đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2023 – 2024 của huyện Yên Minh, tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi lên học lớp 1 của huyện đạt 100%, 95,75% trẻ thành thạo tiếng Việt; 97,19% học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình học tập; 22,62% học sinh cấp THCS đạt học lực khá và giỏi, 74,29% đạt học lực trung bình. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 96.91%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,88%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 98,51%, đứng thứ 2 toàn tỉnh sau thành phố Hà Giang. Toàn huyện hiện có 25/54 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 46,3%, dự kiến đến cuối năm sẽ công nhận thêm 4 trường đạt chuẩn.

Khánh thành điểm trường Sủng Pảo 2, xã Hữu Vinh do tổ chức Cargirl Cares tài trợ.

Khánh thành điểm trường Sủng Pảo 2, xã Hữu Vinh do tổ chức Cargirl Cares tài trợ.

Huyện Yên Minh có 18 xã, thị trấn với 54 trường học (mầm non, tiểu học, THCS), 32.653 học sinh. Hiện toàn huyện có 1.251 phòng học, trong đó mầm non 408 phòng, tiểu học 659 phòng, THCS 184 phòng; có 26 trường phổ thông dân tộc bán trú, 8.884 học sinh hưởng chế độ bán trú. Dù huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện còn 175 điểm trường mầm non, 131 điểm trường tiểu học, 28 lớp ghép; tỷ lệ phòng học kiên cố (nhà 2 tầng trở lên) cấp mầm non mới đạt 38,72%, cấp tiểu học 45,8%, riêng cấp THCS đạt 99,5%. Nhu cầu phòng học các cấp cần thêm 147 phòng (mầm non 25, tiểu học 54, và THCS 68); nhu cầu phòng học bộ môn cần thêm 111 phòng. Tỷ lệ trang thiết bị dạy học tối thiểu cấp mầm non mới đạt 40,77%, tiểu học đạt 45,2%, THCS đạt 47,2%...

Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh, Tống Thị Ngân cho biết: Những năm qua huyện đã làm rất tốt công tác xã hội hóa giáo dục và phát huy hiệu quả nguồn lực này giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên với đặc thù huyện miền núi, biên giới thuộc nhóm các huyện nghèo đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động giáo dục của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục, giai đoạn 2023-2030, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động tối đa trí tuệ và vật chất của toàn xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Giáo dục của huyện đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy và học.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/hieu-qua-xa-hoi-hoa-giao-duc-o-yen-minh-a7003bd/