Hiệu ứng đổi chủ tại CLG giúp cổ phiếu nổi sóng dù kinh doanh vẫn kém khả quan
Cổ phiếu CLG của CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec đã tăng trần liên tục từ ngày 21/10 - 18/11/2019 trong bối cảnh tình hình kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 3/5/2019 do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất 2018. Thông tin nổi cộm nhất của CLG giai đoạn này là biến động nhân sự cấp cao.
Kinh doanh kém khả quan, cổ phiếu vẫn nổi sóng
Thị giá cổ phiếu CLG nằm dưới mệnh giá từ nhiều năm nay và có xu hướng đi xuống mạnh từ tháng 7/2017.
Tuy nhiên, từ phiên giao dịch ngày 21/10/2019, cổ phiếu này đã có 21 phiên tăng trần, với dư mua hàng trăm ngàn đơn vị mỗi phiên, có phiên lên đến 800.000 cổ phiếu, đưa giá cổ phiếu quanh mức 1.400 đồng/cổ phiếu lên 5.800 đồng/cổ phiếu.
Trái ngược với diễn biến giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của CLG trồi sụt, đặc biệt giảm mạnh năm 2016 và kết quả kém khả quan đến nay. Trong đó, 3 quý đầu năm 2019, CLG đã chính thức thua lỗ.
Đáng kể nhất là báo cáo tài chính bán niên 2019 của CLG gây thất vọng khi có sự chênh lệch giảm gần 115 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, biến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ CLG từ lãi 4 tỷ đồng thành lỗ hơn 110 tỷ đồng.
Nhìn lại cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp cũng cho thấy, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi âm, nhiều năm chủ yếu là lợi nhuận tài chính.
Trong nửa đầu năm 2019, CLG cũng tiến hành chuyển nhượng vài khoản đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh liên kết và đơn vị khác.
Cụ thể, Công ty đã chuyển nhượng vốn góp tại CTCP Du lịch và đầu tư châu Á (giá gốc đầu tư là hơn 104 tỷ đồng), với giá trị chuyển nhượng 57 tỷ đồng. Và chuyển nhượng vốn góp tại CTCP Hằng Hà (giá gốc đầu tư 27,6 tỷ đồng) với giá trị chuyển nhượng 15,75 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản cũng đáng ngại khi khoản phải thu gia tăng dần qua các năm và chiếm phần lớn tổng tài sản hiện nay. Năm 2018, khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 80% tài sản ngắn hạn, tổng phải thu chiếm 60% tổng tài sản.
Điều này vẫn tiếp diễn trong năm 2019. Đây cũng là khoản mục được kiểm toán ngoại trừ. Hiện tài sản của CLG đang có tòa nhà đang cho thuê tọa lạc tại số 14 Nguyễn Trường Tộ, quận 4, TP.HCM.
Công ty đã thế chấp bất động sản này để đảm bảo cho tiền vay ngân hàng. Tại thời điểm 30/6/2019, giá trị còn lại của tài sản này là hơn 85 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của CLG năm 2019 có nhiều điểm cần chú ý, khi kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Cụ thể, ý kiến ngoại trừ đối với khoản doanh thu từ việc chuyển nhượng quyền thuê đất tại Khu công nghiệp Đông An cho CTCP Thương mại sản xuất xây dựng Hưng Thịnh với số tiền 15,45 tỷ đồng nhưng chưa xác định và không kết chuyển vốn tương ứng, do đó làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng tương ứng 15,45 tỷ đồng.
CLG đã có giải trình rằng, quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đồng An là thuộc sở hữu Công ty, tuy nhiên hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản được lưu tại các kho tài liệu ngoại tỉnh nên kiểm soát viên chưa chắc chắn và đang rà soát.
Đồng thời, kiểm toán viên còn đưa ý kiến ngoại trừ đối với khoản cho vay ngắn hạn - là khoản Công ty cho vay với lãi suất 0%. Kiểm toán cho rằng, nếu tính lãi suất 10,8%/năm như lãi suất cho vay của ngân hàng, lợi nhuận trước thuế của Công ty sẽ tăng thêm khoảng 2,85 tỷ đồng.
CLG cho biết, Công ty chủ yếu cho các công ty thành viên vay để bổ sung vốn lưu động với mục đích là hỗ trợ các công ty thành viên trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của Công ty phát sinh thêm ý kiến kiểm toán ngoại trừ so với báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018.
Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn và khoản phải trả người bán năm 2018 lần lượt là 143 tỷ đồng và 56 tỷ đồng chưa được đối chiếu xác nhận.
Giá trị xây dựng dở dang của dự án CTCP Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hơn 32 tỷ đồng, kiểm toán chưa thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị dở dang này để xác định liệu có điều chỉnh vào các khoản mục có liên quan.
Kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng về tính hiện hữu hàng tồn kho của CTCP Đầu tư và sản xuất Cotec Sài Gòn (công ty con) với giá trị 5,5 tỷ đồng, cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng về tính hiện hữu, khả năng thu hồi của khoản tiền trả trước cho Doanh nghiệp tư nhân Đức Phát Đạt giá trị hơn 11 tỷ đồng.
Đây cũng là những lý do chính mà cổ phiếu CLG vẫn tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo trên HOSE.
Hiệu ứng đổi chủ
Tình hình kinh doanh không có gì khởi sắc, biến động nhân sự là thông tin gây chú ý tại CLG. Mới đây, CLG đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019, nội dung cuộc họp đều là vấn đề liên quan đến nhân sự cấp cao của Công ty.
Cụ thể, nội dung họp để thông qua việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty; thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 - 2020 và bầu lại thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 - 2020; thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2020 và bầu lại.
Trước đó, CLG cũng đã có sự thay đổi lớn trong Ban điều hành. Ngày 1/8/2019, CLG miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật với ông Phạm Hoàng Phương; tái bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị giữ chức vụ Tổng giám đốc CLG;
Tái bổ nhiệm ông Lê Bá Tiến, Ủy viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kiêm Kế toán trưởng; và bổ nhiệm ông Trần Nhất Nguyên, Ủy viên Hội đồng quản trị giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế - kế hoạch.
Tại thời điểm 30/6/2019, cơ cấu cổ đông của Công ty gồm CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng Cotec sở hữu 54,8%, cổ đông Nguyễn Quốc Sĩ 11,82%; CTCP Kỹ thuật xây dựng An Pha 0,48%, cổ đông Đào Đức Nghĩa 0,94%; cổ đông Nguyễn Thế Thanh 0,16%; và các cổ đông khác là 31,8%.