Hình ảnh con trâu trong văn hóa Bahnar

Ở Tây Nguyên, con trâu không phải 'là đầu cơ nghiệp'. Khi nhắc đến trâu, người ta thường nghĩ tới nghi lễ ăn trâu/đâm trâu (sa kơpô). Ngày nay, đến thăm cộng đồng người bản địa truyền thống nơi đây, du khách thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những vật trang trí như cặp sừng hay xương đầu trâu nơi nhà rông… Đó là một vài dấu vết còn lại của những kỳ ăn trâu sôi động. Kỳ thực, trong văn hóa Bahnar, trâu không chỉ xuất hiện như một lễ vật hiến sinh. Xin điểm qua một số trường hợp thường gặp:

Trong sử thi Bahnar, nhà giàu, cộng đồng hùng mạnh đồng nghĩa với việc có nhiều trâu và cồng chiêng. Con trâu được xem là vật ngang giá để đổi lấy tự do, cồng chiêng, ghè ché, một bộ chiêng tương đương với hàng chục con trâu. Dĩ nhiên, thuở ấy, trâu không bị nuôi nhốt mà được thả rông ngoài rừng, khi cần thì người ta đi bắt về. Nhiều huyền thoại mang tính lịch sử của tộc người này thường mô tả cảnh thanh bình, no đủ với những đàn trâu đầy bãi sông, mỗi khi chúng di chuyển là một lần cả mặt đất, cỏ cây rúng động.

Con trâu không chỉ là lễ vật hiến tế mà còn là nguồn thực phẩm được ưa thích. Sử thi Bahnar ghi nhận nhiều cảnh mổ trâu la liệt, những bữa tiệc với thịt trâu nướng, luộc ê hề. Trong các sự kiện đông vui ấy, người ta say ngất ngây cùng rượu và những làn khói thơm xông lên từ thịt trâu chín, đặt trên lá chuối.

Xưa kia, khi trai gái có tình cảm với nhau, nhất là khi đã “say như điếu đổ” thì các bậc cha mẹ vẫn thường lo lắng tình trạng “ăn cơm trước kẻng”. Vì nếu chẳng may chuyện này xảy ra, không chỉ cô dâu, chú rể tương lai bị phạt vạ mà gia đình, thậm chí cả dòng họ, cộng đồng cũng bị rắc rối theo.

Như một sự cảnh báo, người Việt có câu: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Trong khi đó, người Bahnar sử dụng các hình ảnh gần gũi với cuộc sống thường ngày của cộng đồng mình để diễn đạt tình trạng tương tự: “Trâu gần lúa” hoặc “Thóc nằm dưới đất ẩm”. Gần lúa xanh non, trâu dễ nảy sinh cảm giác thèm thuồng rồi lén ăn còn hạt thóc ẩn mình dưới đất ẩm sẽ nảy mầm.

Người Bahnar có nhiều lời nói vần về trâu. Trong mắt dân làng, con vật sẽ được cho là không bình thường, nếu có móng trắng, đốm trên trán và một cái đuôi ngắn. Chỉ cần không may có 1 trong 3 chi tiết hạn chế trên, con trâu sẽ không được chọn là lễ vật, trong bất kỳ trường hợp nào. Ngược lại, những con trâu da đen nhánh, vai nổi u luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Vậy, thế nào là một con trâu đã quá già? Người Bahnar dùng lời nói vần giàu hình ảnh sau đây để diễn đạt tuổi trâu: “Ong làm tổ dưới cằm/Lau sậy mọc trên đầu”.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Trong câu đố, người Bahnar cũng không quên nhắc đến trâu. Chẳng hạn đây là câu đố có lời giải là con trâu: “Gốc bằng dây, trái bằng núi”. Có ý kiến nói đây là cách cột trâu (sau này gồm cả bò) ngoài bãi để chúng ăn cỏ. Nhưng cũng có thể hiểu, đây chính là hình ảnh con trâu trong nghi lễ hiến sinh. Lúc này, nó đang đứng trước cột nêu tế thần. Theo đó, những sợi dây mây bện từ cổ trâu nối đến cột lễ được ví là “gốc” còn thân hình con trâu được phóng đại thành “núi”, là quả của một loài cây nào đó.

Cũng liên quan đến trâu, người Bahnar đố nhau: “Đôi cành đã khô cứng/Thân gốc vẫn còn tươi”. Đây có thể xem là một cách nhìn sáng tạo trong nghệ thuật đố dân gian. Sự đối lập giữa “khô cứng” (cặp sừng) và “còn tươi” (thân trâu) khá thú vị, ít nhiều gây khó cho người giải đố.

Trong văn hóa Bahnar, trâu không chỉ hiền lành mà còn được cho là con vật thật thà, dễ bảo. Có câu chuyện cổ kể rằng: Ngày nọ, thỏ lẻo mép đi gặp trâu đen bịa chuyện rằng trâu trắng nói trâu đen là đồ vô dụng, sức đã yếu lại còn lười biếng. Khi trâu đen đang tức điên lên thì thỏ lại đến nói với trâu trắng, rằng trâu đen bảo trâu trắng chẳng ra sao, vừa nhác lại vừa không khỏe mạnh. Hai con trâu nghe và đều tưởng lời bịa tạc của thỏ là sự thật nên đã tự tìm đến húc nhau dữ dội. Thỏ đứng ngoài xem, vỗ tay cười khanh khách.

Trâu là vật hiến sinh trong các nghi lễ quan trọng nhất của người Bahnar. Ngoài ra, con vật hiền lành này còn có mặt trong sử thi, truyện cổ, câu đố và lời nói vần của cộng đồng này. Nhân dịp năm mới, nhắc lại vài điều như trên để thấy, trâu là con vật có vai trò, vị trí nhất định trong văn hóa Bahnar.

NGUYỄN QUANG TUỆ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/hinh-anh-con-trau-trong-van-hoa-bahnar-5723159/