Hồ Chí Minh – Hình ảnh mẫu mực về tình thương dân, tin dân và tinh thần chiến đấu của một chiến sĩ cộng sản
Quan tâm đến con người, chăm lo cho con người là một trong những phẩm chất nổi trội trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, do đó trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn gắn bó và không ngừng quan tâm động viên và phát huy sức dân; không những thế, Người còn là người bạn, người đồng chí, là cầu nối giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa.
Với lòng yêu nước, thương dân được thụ hưởng từ sự dạy dỗ và tấm gương hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nên khi lớn lên được tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp bị bóc lột đến cùng cực của đồng bào mình ngay trên mảnh đất quê hương, nhìn thấy tội ác của bọn thực dân và thái độ ươn hèn, bạc nhược của bọn Nam triều, Nguyễn Tất Thành càng xót xa và đau cùng với nỗi đau của dân tộc. Điều đó được cảm nhận qua hoạt động của cậu học trò Nguyễn Sinh Cung trong phong trào chống sưu cao, thuế nặng ở Huế những năm 1908. Hình ảnh đó không phải là sự phản ánh tính hiếu kỳ của tuổi thanh niên, mà là biểu hiện của tư tưởng thân dân, gần dân trong Hồ Chí Minh. Và đến khi chứng kiến những thất bại liên tiếp của các phong trào khởi nghĩa do các sĩ phu yêu nước khởi xướng lúc bấy giờ, đã thôi thúc Hồ Chí Minh phải tìm kiếm con đường, cách thức tổ chức cũng như phương pháp tuyên truyền, vận động và tập hợp quần chúng một cách hiệu quả để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Từ đó người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân.
Với ý chí và quyết tâm đó, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin và với vốn kiến thức có được sau thời gian bôn bôn ba khắp năm châu bốn bể và thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có cách nhìn hoàn toàn mới so với các bậc tiền bối trước đó về lực lượng và sức mạnh của quần chúng, Người khẳng định: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”(1). Do đó “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(2). Sở dĩ thế, vì lịch sử nước ta đã cho thấy “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết”(3). Phong cách gần dân của Người còn được thể hiện ở chỗ, trong lực lượng cách mạng đó, Hồ Chí Minh luôn xác định mình cũng là một chiến sĩ, là công bộc, là đầy tớ, là người phục vụ cho nhân dân. Chính vì thế, khi nước nhà độc lập, dù ở cương vị cao nhất - Chủ tịch nước, nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn xem mình là một chiến sĩ cách mạng thực thụ, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận” (4). Cũng vì xem mình là công bộc của nhân dân, nên khi nước nhà độc lập, Hồ Chí Minh luôn trăn trở với những khó khăn, thiếu thốn của quần chúng và tự xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trước quốc dân, đồng bào là “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”(5). Đó cũng là mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta phải đạt được. Cũng vì thế, trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(6). Sự quan tâm, lo lắng và gần gũi quần chúng của Hồ Chí Minh đã được nhà văn Xô Viết, Cabêlép trước đây nhận xét: “Từ dung mạo của Người tỏa ra sự ấm áp tinh thần mà Người chia sẻ rộng rãi với những người xung quanh. Người thuộc loại người đau những nỗi đau của người khác hơn nỗi đau của mình”(7).
Không chỉ thương yêu quần chúng, Hồ Chí Minh còn đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh vĩ đại và khả năng phi thường của quần chúng. Ngay cả khi cách mạng trong tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc” Hồ Chí Minh vẫn tin rằng có dân là có tất cả, có dân thì việc gì cũng xong. Bởi vì, hơn ai hết Hồ Chí Minh hiểu được lực lượng nơi quần chúng, hiểu rõ ý chí và lòng quyết tâm của quần chúng - một ý chí đã được hun đúc trong đói nghèo và khổ cực, có thể đánh bật và cuốn phăng tất cả nếu được giác ngộ, tổ chức, lãnh đạo đúng đắn. Người nói “Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan”(8). Đó cũng là sự khác biệt trong cách nhìn nhận đánh giá vai trò, sức mạnh của quần chúng của Người so với các nhà cách mạng trước đây, họ thường cho rằng cách mạng nước ta phải do những vị anh hùng xuất chúng, những người tài cao, học rộng tiến hành, ngược lại Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng là của quần chúng nhân dân đông đảo, trước hết là những người nghèo khổ nhất, bị áp bức bóc lột nhiều nhất. Chính niềm tin đó, mà Hồ Chí Minh đã huy động và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như trong công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước.
2. Tinh thần chiến đấu của một chiến sĩ cộng sản
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh “dân” không chỉ trong phạm vi quốc gia, không chỉ là “đồng bào” mà dân còn là “những người cùng khổ”, “những người mất nước” là “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Vì thế, trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã chủ động hòa mình vào đời sống công nhân, lao động Pháp, trước hết là giới thợ thuyền, sống, lao động vất vả, cực khổ như họ, cùng họ chia sẽ những thiếu thốn, khổ cực của cuộc đời người vô sản ở một nước có tiếng là văn minh, hoa lệ… Từ cuộc sống đó, Hồ Chí Minh đã cảm nhận được ý chí đấu tranh của công nhân, của người vô sản và nhân dân lao động Pháp, họ vốn là thế hệ con cháu của những chiến sĩ cộng sản Pari anh hùng, những người đã phất cờ cách mạng vô sản đầu tiên trong lịch sử. Hồ Chí Minh nhận thấy họ cũng là những người bạn, là đồng minh của nhân dân Việt Nam, của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Người xem sự nghiệp giải phóng của họ cũng là của chính dân tộc mình. Người tự nguyện làm một chiến sĩ cách mạng thực thụ của nước Pháp. Người tham gia phong trào xã hội Pháp, rồi tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Và không chỉ ở nước Pháp, Hồ Chí Minh còn tích cực tham gia phong trào đấu tranh của những người lao động làm thuê, những người vô sản tại các nước thuộc địa. Bất cứ đâu, làm nghề gì, từ người đầu bếp đến anh lao công hay người viết báo và thậm chí khi bị tù đày, đói khát, Người vẫn giữ trong mình sự bình dị, chân thành nhưng cũng đầy quyết tâm và sắc xảo trong từng lời nói, từng cử chỉ và hành động, vẫn thực sự chiến đấu như những chiến sĩ cách mạng ở nước đó.Vì thế, trước mắt mọi người, không kể tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo hay quốc tịch, Hồ Chí Minh trước hết là người đồng chí, là người anh em, là người bạn, là người thân trong cuộc sống cũng như trong hoạt động cách mạng.
Hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng được tình đoàn kết quốc tế, tình hữu ái giữa những người cùng khổ, giữa các dân tộc thuộc địa trước khi Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đánh giá về hoạt động của Người, xã luận báo Thế giới ngày nay của Mỹ đã khẳng định rằng: “Cụ Hồ đã cống hiến nhiều năm của cuộc đời mình và năng lực của mình cho phòng trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cụ đã chiến đấu cho người Mỹ da đen, và Cụ đã hoạt động ở Pháp, ở Liên Xô và Trung Quốc, phục vụ cho sự nghiệp của GCCN, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng”(9). Đánh giá đó cho thấy Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tình cảm của bạn bè các nước. Người là hiện thân, là mắc xích, là cầu nối giữa những người lao động chính quốc với nhân dân các nước thuộc địa và nhân dân Việt Nam. Là chiến sĩ cộng sản nhiệt thành của cách mạng Việt Nam và thế giới.
Thay cho lời kết, từ lời nói đến hành động với phong thái hết sức giản dị, mộc mạc và thực tế, trong Hồ Chí Minh đã toát lên hình ảnh của một người có tinh thần vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ. Người đã sống chiến đấu, lao động và học tập không chỉ cho riêng mình mà cho mọi người, vì mọi người, vì dân tộc, vì nhân loại tiến bộ, chính cái khác ấy đã làm cho người trở thành vĩ đại và gần gũi với tất cả mọi người.
Đinh Hoàng
1 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 230.
2 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 534.
3 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 256.
4 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 187.
5 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 518.
6 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 622.
7 Bá Ngọc (2003), Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Nghệ An, Nghệ An, trang 204.
8 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, trang 358.
9 Viện Hồ Chí Minh (2001), Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao động, Hà Nội, trang 98.