Hồ tiêu Việt vẫn có tiềm năng lớn
EVFTA sẽ là đòn bẩy tốt để các DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5% - 9%), nay về 0%...
Bà Nguyễn Mai Oanh - Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, Hiệp hội Gia vị châu Âu khuyến nghị, hiện nay nguồn cung hạt tiêu quá lớn trên thị trường thế giới, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì quá lãng phí. Bởi hồ tiêu còn làm nguyên liệu, mỹ phẩm, nước hoa và nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác.
Vì vậy, các DN Việt Nam cần chủ động trong công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường trong khối châu Âu (EU) để tăng giá trị hồ tiêu xuất khẩu, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh với nước xuất khẩu hồ tiêu khác tại những thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn như Hoa Kỳ (Mỹ), EU.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ba năm qua thị trường tiêu thế giới khủng hoảng về giá do cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Cụ thể, nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2% - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8% - 10%. Với sản lượng dự kiến đạt 602.000 tấn/năm 2019. Đến 2050, sản lượng tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn trong khi cầu tăng không tương ứng. Hai quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới là Indonesia và Brazil hiện luôn trong tình trạng tồn kho còn nhiều.
Tuy vậy, các DN xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam không quá bị động. Bởi trong 8 tháng 2019 này, mặc dù xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường giảm về giá trị do ảnh hưởng của xu hướng giảm giá trên thị trường toàn cầu, nhưng tại một số thị trường chính như Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 18% so với cùng kỳ 2018. Tại EU kim ngạch tăng 22,5%; đặc biệt xuất khẩu vào một nước EU như Đức, Hà Lan lại tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Riêng các nước Đông Nam Á tăng đến 43%...
Lợi thế của xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam là trong bối cảnh xuất khẩu tiêu trên thế giới đang nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn, việc Việt Nam đã ký thành công Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hồ tiêu Việt Nam, bởi các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hồ tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Do vậy, EVFTA sẽ là đòn bẩy tốt để các DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5% - 9%), nay về 0%.
Một lợi thế khác nữa, nếu trước đây, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường EU phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng quốc gia trong khối, thì sau khi EVFTA có hiệu lực, các DN chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối, là có thể xuất khẩu sang EU. Việt Nam cũng sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu, khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng, phát triển vùng sản xuất, tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và theo tiêu chuẩn quốc tế, đối với ngành hồ tiêu. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp, hỗ trợ các hộ sản xuất phát triển các đồn điền tiêu hữu cơ, thúc đẩy xây dựng hệ thống thông tin, dự báo và phát triển thị trường đặc biệt là thị trường nước ngoài để tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường. Ngoài những thị trường chính truyền thống, các DN xuất khẩu hồ tiêu còn tăng xúc tiến thương mại hồ tiêu sang các thị trường mới tiềm năng như Mexico, Canada…
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ho-tieu-viet-van-co-tiem-nang-lon-92777.html