Hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn
Đúng ngày bế mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV biểu quyết thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG).
Đúng ngày bế mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV biểu quyết thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG).
Chương trình MTQG lần này thực hiện trong 10 năm, với hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025; giai đoạn 2 từ năm 2026 đến 2030. Mục tiêu của chương trình giúp thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và MN so với mức bình quân chung của cả nước. Mục tiêu cụ thể cũng đề cập rõ: đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Vấn đề quan trọng được rất nhiều đại biểu QH nêu tại phiên họp toàn thể, đó là: Chương trình MTQG phải được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất. Yêu cầu trước tiên cần giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Quá trình thực hiện nghị quyết bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; thực hiện phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”...
Từ thực tiễn các địa phương, nhiều đại biểu QH vừa qua đã phản ánh, qua rà soát các chương trình MTQG đang thực hiện và chương trình MTQG Chính phủ đang đề xuất giai đoạn 2021-2030, có sự trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và địa bàn thực hiện. Thời gian tới, các bộ, ngành, các địa phương cần xác định rõ đối tượng, cơ chế phối hợp, tiêu chí phân bổ nguồn lực đầu tư tập trung hơn, cần sự điều chỉnh cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu đang đặt ra ở Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội…
Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH trước QH cũng đã khẳng định, Chương trình MTQG đề xuất xây dựng mới lần này có mối quan hệ chặt chẽ với hai chương trình MTQG là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng như 21 chương trình mục tiêu đang thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Chính phủ thời gian tới sớm triển khai tổng kết các chương trình nêu trên, qua đó làm cơ sở xác định nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chương trình. Đây cũng là ý kiến đề nghị của nhiều đại biểu QH đối với công tác rà soát, tích hợp các chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững.
Chính phủ cho biết, hiện nay có 118 văn bản chính sách dân tộc, nhiều chính sách sẽ hết hiệu lực vào năm 2020. Đối với các chính sách còn phù hợp, sẽ được tổng hợp và bổ sung các chính sách mới để xây dựng nội dung 10 dự án thành phần trong Chương trình MTQG này. Với thực tế hiện nay, QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung nguồn lực để đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết của đồng bào vùng DTTS và MN. Xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, như giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe người dân, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em…
Vì thế, cần xác định Chương trình MTQG lần này là chương trình cần được ưu tiên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và nghị quyết của QH. Trong công tác chỉ đạo thực hiện, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan hữu quan, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát các địa bàn thực hiện chương trình để đáp ứng yêu cầu đại biểu QH đã đặt ra. Đến nay, với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là đồng bào DTTS, hộ nghèo trong cả nước, Chương trình MTQG lần này được cử tri và nhân dân kỳ vọng sẽ mang tính tổng thể, toàn diện, bền vững lâu dài. Để đưa nghị quyết của QH đi vào cuộc sống, thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng nâng cao trách nhiệm, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Hơn nữa, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân - đối tượng thụ hưởng các chính sách từ chương trình, nhận thức sâu sắc về các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước không chỉ đơn thuần giúp cho “con cá”, mà quan trọng hơn đó là tiếp tục giúp người dân “cần câu” để họ tự mình nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.