Hỗ trợ xã hội giúp người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng
Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng, ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới.
Sau gần 4 năm triển khai Chương trình, báo cáo Bộ LĐTB&XH cho biết, các mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã được nhiều địa phương xây dựng triển khai: 4 địa phương đã triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; 21 địa phương thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 8 địa phương đã triển khai mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Đáng ghi nhận thông qua việc triển khai Chương trình từng bước xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội cho nhóm người bán dâm ở cộng đồng tại 41 tỉnh, thành phố. Tính đến nay, 6 tháng đầu năm 2020, có khoảng 503 lượt người bán dâm được hỗ trợ tư vấn, trong đó số đối tượng được hỗ trợ giáo dục là 5 người; số đối tượng được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 138 người; số đối tượng được vay vốn là 6 người; số đối tượng được tạo việc làm là 6 người; số đối tượng được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe là 173 người và số đối tượng được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV là 175 người. Số người bán dâm được hỗ trợ tư vấn giảm so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, người bán dâm là một trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội).
Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, và tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, có thu nhập khác để giảm tần suất hoặc dừng công việc bán dâm, ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội.