Hồ Văn Mắt - 'Điểm tựa' của bản làng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang (huyện Đakrông) Hồ Văn My e dè khi chúng tôi đề nghị đi thôn Sa Trầm gặp Bí thư Chi bộ thôn Hồ Văn Mắt (tên thường gọi thân mật là Hồ Mắt). 'Đường từ đây lên Sa Trầm khá xa, lại khó đi, không đi được bằng ô tô. Hay là để tôi gọi điện bảo Hồ Mắt về đây cho nhà báo gặp nói chuyện' - anh My đề nghị. 'Đường khó thì càng phải đi tận cơ sở để biết được cái khó khăn, vất vả của người dân, càng phải đến để xem những việc Hồ Mắt làm với dân bản, để hiểu rõ vì sao anh được dân bản tin yêu coi là 'điểm tựa' của bản làng' - chúng tôi đáp lại lời anh My và quyết tâm lên đường.
Chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc
Đường từ trung tâm xã Ba Nang qua các thôn để vào Sa Trầm đã xuống cấp nghiêm trọng, nền đường bị xói lở do ảnh hưởng của nhiều trận mưa lũ từ năm 2020 đến nay nên không thể đi được bằng ô tô gầm thấp. Anh Hồ Văn My, dù đã quá quen thuộc với quãng đường từ UBND xã vào các thôn, nhưng với lần cầm lái hiếm hoi này, thực sự “toát mồ hôi” khi đánh vật với chiếc xe máy Jupiter chở thêm tôi vượt chặng đường gần 20 cây số, leo mấy con dốc cao và dài hun hút, khó nhọc vào với Sa Trầm.
Đúng như cái tên cha mẹ đã đặt, Hồ Văn Mắt gây ấn tượng mạnh với chúng tôi bởi đôi mắt to, sáng, tinh anh, gương mặt hiền lành, dễ gần. Sinh năm 1989, năm 24 tuổi, anh đã được bầu giữ chức thôn trưởng thôn Cóc. Đến năm 2019, hai thôn Cóc, Sa Trầm sáp nhập thành một thôn, lấy tên gọi chung là Sa Trầm, có 113 hộ với 597 nhân khẩu, trong đó có 68 hộ nghèo. Hồ Văn Mắt được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn.
Tuy mới gặp lần đầu, nhưng câu chuyện giữa chúng tôi rất nhanh đã trở nên gần gũi. Hồ Văn Mắt vui vẻ kể về chuyến đi Hà Nội tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức hồi tháng 6/2024.
Anh vinh dự là một trong 200 đại diện tiêu biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển, đảo thuộc 47 dân tộc thiểu số trong toàn quốc tham dự chương trình. Chuyến đi này, anh được gặp mặt Chủ tịch nước, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9), tham dự Lễ tôn vinh trao giấy chứng nhận và biểu trưng của chương trình.
Qua chuyện trò, chúng tôi được biết những gì Hồ Văn Mắt đã làm xứng đáng để được tôn vinh là người có uy tín tiêu biểu ở vùng biên giới. Trong những năm qua, anh là “đầu tàu” tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, quy chế khu vực biên giới, những quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh và công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn bằng nhiều hình thức và cách làm hiệu quả. Phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Nang phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống COVID - 19, xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.
Đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, anh và các già làng, trưởng thôn đã cùng với Đồn Biên phòng Ba Nang tuyên truyền, vận động 40 hộ gia đình tại các thôn Sa Trầm, Ra Poong đăng ký tham gia tự nguyện bảo vệ đường biên giới dài 9 km với 2 mốc quốc giới (mốc 618 đến 620).
Đồng thời thành lập 5 tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản tại 5 thôn, bản, riêng thôn Sa Trầm thành lập thêm tổ bảo vệ đường biên, cột mốc với 7 thành viên, anh thường xuyên tham gia cùng lực lượng biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc.
Từ quần chúng nhân dân đã cung cấp cho bộ đội biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm khu vực biên giới. Là địa bàn biên giới, Sa Trầm kết nghĩa với bản A Xóc (Lào) và Hồ Văn Mắt chính là “cầu nối” của xã, thường xuyên đại diện qua lại thăm hỏi phía bạn Lào các dịp lễ tết .
Vì dân tận tụy nên dân quý, dân tin
Những trận bão, lũ liên tiếp từ năm 2020 đến 2023 đã nhiều lần phá hỏng tuyến độc đạo từ trung tâm xã, chạy qua các thôn dẫn đến thôn xa nhất là Sa Trầm, đến nay cũng chỉ được chắp vá, sửa chữa tạm thời, nguy cơ chia cắt bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão đến.
Người dân Sa Trầm vẫn chưa quên trận lũ kinh hoàng năm 2020, chỉ sau một đêm, đoạn đường qua thôn sạt lở hoàn toàn, chia cắt cục bộ, đất đá hai bên sườn núi đổ xuống đường khối lượng lớn, nước lũ đổ về ồ ạt. “Tình huống lúc đó rất cấp bách, nếu không có phương án thông đường tạm thời thì người dân bị cô lập sẽ đói, khát, vì ở đây không ai chủ động dự trữ lương thực phòng bão lũ cả.
Tôi khẩn trương huy động thanh niên trong bản, dùng cuốc, xẻng đào, xúc đất đá để thông đường. Nhưng thực tế khối lượng đất, đá quá lớn, không thể trông chờ vào sức người, tôi liền nghĩ ra cách mượn ống nước to, lợi dụng nước lũ đổ về để xịt làm trôi đất, đá.
Nhờ cách làm này sau một ngày làm cật lực đã xử lý khối lượng đất đá đáng kể, tạm thời dọn đường cho xe máy đi lại được. Chúng tôi cũng huy động thanh niên chặt tre giúp sửa nhà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng, vận động góp gạo giúp các hộ khó khăn cầm cự qua những ngày mưa bão chờ xã hỗ trợ, vì đường nội thôn đã thông, nhưng vẫn còn nhiều đoạn trên tuyến về trung tâm xã vẫn còn đứt gãy chưa kịp xử lý”, Hồ Văn Mắt kể lại.
Anh Hồ Văn My nói thêm: “Giai đoạn nguy cấp do thiên tai đó, Hồ Văn Mắt đã xử lý tốt việc huy động người dân khơi thông tuyến đường, kêu gọi người dân đùm bọc chia sẻ lương thực với nhau để vượt qua khó khăn, đó là bản lĩnh của người cán bộ thôn, vì thế mà dân quý, dân tin, lãnh đạo xã yên tâm khi giao nhiệm vụ”.
Tại thôn Sa Trầm, đến thời điểm này, các dòng họ đã hoàn toàn bỏ hủ tục hễ người thân chết là không cho đưa thi thể vào quan tài mà đem thẳng vào “rừng ma” để bỏ. Có sự thay đổi ấy là nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động của Hồ Mắt. Là người uy tín trong thôn, tuy tuổi đời còn trẻ, Hồ Văn Mắt được dân nghe theo, làm theo khi vận động người dân ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.
“Mình là Bí thư Chi bộ thôn, phải tìm cách nói để dân nghe, dân theo, mình nói giữa tập thể mà có người chưa nghe thì phải tìm cách vận động đến từng đối tượng, tìm hiểu tâm tư của dân để có cách thuyết phục”, Hồ Văn Mắt cho biết và dẫn ra một câu chuyện để ví dụ cho cách làm của mình.
Đó là trường hợp ông Hồ Văn Thuận tranh chấp đất trồng tràm với ông Hồ Văn Thưng dẫn đến mâu thuẫn, đỉnh điểm là ông Thuận đã chặt bỏ 55 cây tràm đã 5 năm tuổi của ông Thưng. Sau khi cùng với UBND xã xác minh rõ nguồn gốc đất đai, anh chọn cách gặp riêng hai bên để lắng nghe thấu đáo, phân tích cái sai, cái đúng của mỗi người. Cái kết đẹp là ông Thuận đã mang chai rượu, con gà (theo tục lệ) đến nhà ông Thưng xin lỗi.
Những việc làm của Hồ Văn Mắt không chỉ được ghi nhận bằng những bằng khen, giấy khen của cấp tỉnh, cấp trung ương, mà quan trọng với anh là được dân bản đều biết đến và dành tình cảm trân trọng, yêu mến. Từ hai thôn hợp lại với nhiều cái chưa thuận, thì nay, người dân Sa Trầm đã thực sự coi Hồ Văn Mắt là “điểm tựa” tin cậy của bản làng, cùng nhau giữ gìn lối sống thuận hòa để bảo vệ vùng đất phên dậu biên cương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ho-van-mat-diem-tua-cua-ban-lang-189375.htm