Hòa bình để phục hồi thế giới

“Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khắc nghiệt: hòa bình hoặc hiểm nguy dai dẳng. Chúng ta phải chọn hòa bình. Đó là sự lựa chọn duy nhất để hàn gắn thế giới đã bị rạn nứt”. Đây là phát biểu được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra tại lễ rung chuông hòa bình trước thềm kỷ niệm 40 năm “Ngày Quốc tế Hòa bình” (21-9-1981 - 21-9-2021).

Ngày Quốc tế Hòa bình được LHQ khởi xướng năm 1981 và lần đầu tiên được tổ chức tháng 9-1982. Tới năm 2002, Đại Hội đồng LHQ chính thức lấy ngày 21-9 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa bình, với mong muốn củng cố và thúc đẩy những lý tưởng hòa bình, cũng như khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu hòa bình cho mọi quốc gia, mọi dân tộc.

Năm nay, Ngày Quốc tế Hòa bình diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức khổng lồ bởi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Tính đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,7 triệu người. Những hậu quả của đại dịch thậm chí còn vượt ra ngoài khía cạnh y tế, sức khỏe, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh thế giới.

Đại dịch kéo dài khiến cho các nỗ lực giải quyết xung đột và thiết lập hòa bình gặp nhiều khó khăn, do các chính phủ phải tập trung đối phó dịch bệnh. Sự bất ổn do đại dịch gây ra cũng có thể kích động các tác nhân gây chia rẽ, xúi giục sự hỗn loạn, làm gia tăng bạo lực và dẫn tới những tính toán sai lầm có thể làm trầm trọng thêm xung đột. Tính từ tháng 1-2020 đến tháng 4-2021, các vụ bạo lực liên quan đến đại dịch đã được ghi nhận ở ít nhất 158 quốc gia, bao gồm các vụ tấn công nhằm vào những người gốc Á, hay các cuộc biểu tình biến thành bạo lực. Theo Chỉ số Hòa bình toàn cầu 2021, kể từ khi đại dịch bùng phát, thế giới đã ghi nhận khoảng 5.000 vụ việc như vậy.

Ngoài ra, đại dịch bùng phát còn bộc lộ sự bất bình đẳng, giáng đòn nặng nề nhất vào những nhóm yếu thế. Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, tính đến tháng 9-2021, hơn 5,9 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, song chỉ có khoảng 1,9% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Đáng quan ngại, những người dân sống có các khu vực xung đột càng dễ bị tổn thương do không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế. Do đó, trong bài phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh rằng, thế giới đang ở thời khắc cần đoàn kết hơn bao giờ hết trước đại dịch COVID-19 cùng vòng xoáy xung đột, bất bình đẳng, đói nghèo và biến đổi khí hậu. Ông kêu gọi “các tay súng trên toàn thế giới hạ vũ khí và tuân thủ lệnh ngừng bắn một ngày trên toàn cầu, bởi chúng ta cần tập trung vào một kẻ thù chung của nhân loại: COVID-19.”

COVID-19 khiến con người nhận ra rằng, chúng ta không phải là kẻ thù của nhau. Thay vào đó, kẻ thù chung của chúng ta là loại virus có thể tấn công bất cứ ai, bất kể tuổi tác, màu da, xuất xứ, tôn giáo hay tín ngưỡng. Để đối đầu với kẻ thù chung này, con người cần đoàn kết, và nền tảng để phục hồi sau sự tàn phá của đại dịch chính là hòa bình. Nỗ lực tiêm chủng toàn cầu sẽ không thể đạt tiến triển nếu các cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn. Người dân trong các vùng chiến sự sẽ không thể được tiếp cận với các loại vắc-xin và các phương pháp điều trị nếu không có một lệnh ngừng bắn toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang trong quá trình chữa lành những tổn thương mà đại dịch COVID-19 gây ra, Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay gắn với chủ đề: “Phục hồi tốt hơn vì một thế giới bình đẳng và bền vững”. Xét về mức độ, thời gian và những thay đổi mà COVID-19 gây ra, có thể xem đại dịch này là một cuộc khủng hoảng đa chiều. Mối đe dọa từ đại dịch đòi hỏi phải có những phương pháp tiếp cận mới, bởi nó tồn tại bên cạnh, thậm chí làm gia tăng những rủi ro khác như biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị hay xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, đại dịch cũng đem lại một cơ hội duy nhất để cộng đồng quốc tế cùng tìm cách phục hồi tốt hơn, làm cho thế giới trở nên bình đẳng hơn, công bằng hơn, bao trùm, bền vững và lành mạnh hơn.

Theo người đứng đầu LHQ, “chúng ta cần đoàn kết để chấm dứt đại dịch, khẩn trương cung cấp vắc-xin và thuốc điều trị, hỗ trợ các nước trên con đường dài hướng tới phục hồi. Chúng ta cần tăng cường nỗ lực để giảm bất bình đẳng và xóa đói giảm nghèo. Chúng ta cần một kế hoạch hành động toàn cầu để chữa lành hành tinh, thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đạt được các mục tiêu không phát thải.”

Ngày Quốc tế Hòa bình cũng là một cơ hội để các cá nhân tham gia vào hoạt động thúc đẩy hòa bình trên toàn cầu, bắt đầu từ việc điều chỉnh hành vi. Mỗi cá nhân có thể đóng góp vì hòa bình bằng cách đấu tranh chống lại các hành động thù địch, phân biệt đối xử cả trực tuyến và ngoại tuyến, lan tỏa lòng trắc ẩn, sự tử tế và hy vọng, thể hiện tình đoàn kết khi đối mặt với đại dịch và khi phục hồi sau đại dịch. Tất cả chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt nếu cùng nỗ lực vì mục tiêu cuối cùng đem đến hòa bình cho thế giới.

Như khẳng định của Tổng Thư ký LHQ Guterres, hòa bình chính là ánh sáng trong bóng tối, dẫn dắt chúng ta tới một con đường duy nhất đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại, và hãy cùng bước đi trên con đường này./.

Theo baotintuc.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202109/hoa-binh-de-phuc-hoi-the-gioi-2546587/