Hòa Bình: Hỗ trợ 800.000 đồng/tháng cho GV mầm non tư thục ở khu công nghiệp
Giáo viên mầm non tư thục, dân lập quản lí 30% trẻ là con công nhân làm việc tại KCN được chi trả 800 nghìn đồng/tháng...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành văn bản thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố rà soát việc tổ chức, thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về Quy định chính sách phát triển Giáo dục mầm non; Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. [1]
Được biết, theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại Khu công nghiệp sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ như: giáo viên được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng và cơ sở giáo dục sẽ được hỗ trợ 1 lần với mức 20.000.000 đồng/cơ sở để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Đối với trẻ có bố, mẹ hoặc người chăm sóc là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng, không quá 9 tháng/năm học.
"Có biện pháp giải quyết triệt để những khó khăn, tồn tại khi thực hiện chi trả chính sách cho trẻ em, giáo viên mầm non", Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân cấp huyện cần chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan xác định nơi có nhiều lao động theo Điều 75, Nghị định số 145.
Tại Điều 75, Nghị định 145 quy định về nơi có nhiều lao động, được xác định như sau:
1. Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi tắt là khu công nghiệp) có từ 5.000 người lao động trở lên đang làm việc trong các doanh nghiệp và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn khu công nghiệp.
2. Xã, phường, thị trấn có từ 3.000 người lao động trở lên đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú tại xã, phường, thị trấn đó.
Ủy ban Nhân cấp huyện tham mưu thực hiện các giải pháp về chính sách tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động theo quy định tại Điều 81, Nghị định số 145 bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, không bỏ sót đối tượng.
Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu của người lao động.
Sở Giáo dục và Đào tạo giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh và nhân dân trên địa bàn nội dung chính sách đối với giáo dục mầm non.
Hướng dẫn các đơn vị, đối tượng thụ hưởng thực hiện đúng quy định về thủ tục hồ sơ.
"Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc tổ chức Công đoàn các cấp có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho công nhân, người lao động trong thực hiện thủ tục xác nhận nơi làm việc tại Khu công nghiệp của cha mẹ trẻ em bảo đảm chế độ cho trẻ em và tạo điều kiện để giáo viên mầm non đủ điều kiện được hưởng chính sách.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định, xử lí nghiêm những đơn vị vi phạm việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non", Sở chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố.
Link bài viết tham khảo:
1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-27-2021-NQ-HDND-muc-ho-tro-tre-em-mam-non-giao-vien-mam-non-tinh-Hoa-Binh-484366.aspx