Hòa Bình: Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường tại huyện Tân Lạc

Trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có 85% dân số dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác cùng sinh sống. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường của huyện Tân Lạc được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, Tân Lạc có 60 điểm di tích, thắng cảnh, trong đó: Có 30 di tích giá trị trên địa bàn đã được kiểm kê, có 13 di tích được lập hồ sơ khoa học xếp hạng (Có 06 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 07 di di tích xếp hạng cấp tỉnh). Các di tích đền, chùa, miếu luôn gắn với tín ngưỡng dân gian của người Mường và thực hiện tốt. Các di tích trên địa bàn đều được quản lý, bảo vệ và phát huy được giá trị, góp phần thức đẩy du lịch phát triển.

Trụ sở UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Trụ sở UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện hiện lưu giữ 3.367 nhà sàn dân tộc Mường, hơn 2.240 chiêng Mường, 579 bộ nhạc cụ dân tộc (ống ôi, cò ke, ống sáo, trống), trên 4.790 bộ trang phục dân tộc Mường. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 30 câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở các loại hình như: Thường đang, bộ mẹng, hát đối, trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ)…. Toàn huyện có 159 đội văn nghệ xóm, khu dân cư; 1 câu lạc bộ mo Mường cấp huyện với 106 thành viên, 4 câu lạc bộ mo Mường cấp xã.

Bên cạnh đó, huyện Tân Lạc luôn quan tâm đến công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa mo Mường.

Tân Lạc hiện có khoảng 150 Nghệ nhân mo Mường, trong đó có 9 nghệ nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Công tác giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho thế hệ trẻ được chú trọng.

Trong 2 năm (2023, 2024), tỉnh tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường trên địa bàn xóm Lũy Ải, xã Phong Phú góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn hóa Mường đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Bà Bùi Thị Tiệp - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Huyện Tân Lạc chú trọng làm tốt công tác truyền thông nên đã góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương biết đến và trải nghiệm.

Năm 2023, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định đưa Lễ hội Khai hạ trở thành Lễ hội cấp tỉnh và công bố trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 tại huyện Tân Lạc.

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường tỉnh Hòa Bình

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường tỉnh Hòa Bình

Nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê 100 di sản văn hóa phi vật thể và đang có phương án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Cụ thể: Tiếng nói, lễ hội truyền thống (tiêu biểu Lễ hội khai hạ dân tộc Mường, Lễ hội Chùa Kè, Lễ hội Đánh cá suối tháng 3), phong tục tập quán cưới hỏi, làn điệu dân ca Mường, Lịch đoi; Múa, hát, âm nhạc, hòa tấu, trò chơi dân gian, bài mo, bài khấn; tri thức dân gian (y học cổ truyền, ẩm thực truyền thống, tri thức về trang phục truyền thống, trang sức, kinh nghiệm lao động, sản xuất); nghề thủ công truyền thống (dệt vải, đan lát...); văn học dân gian (hát ru, tục ngữ, ca dao, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, sử thi, truyện thơ dài, diễn sướng…); các hình thức tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, tục thờ đá, thờ nhà ông công, thờ thành hoàng.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được phục dựng, duy trì và phát triển hơn 20 năm qua; hàng năm, thu hút được khoảng 115.000 lượt nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, tham dự lễ hội, góp phần thúc đẩy ngành du lịch - dịch vụ, đem lại nguồn thu kinh tế cho nhân dân địa phương ngày càng phát triển; ước tính có 85.000 lượt khách tham quan, du lịch, doanh thu ước đạt trên 21 tỷ đồng.

PV Tạp chí điện tử Văn hóa & Phát triển (trái) và Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

PV Tạp chí điện tử Văn hóa & Phát triển (trái) và Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và “Nền văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 của tỉnh, huyện Tân Lạc đã thành lập được 26 câu lạc bộ (hát Thường đang, Bọ mẹng), 15 Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, 01 Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Mo Mường cấp huyện với 56 thành viên; 159 đội văn nghệ xóm, khu dân cư.

Năm 2023 tổ chức 01 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 25 học viên tại 02 điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến, xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn nhằm tạo ra sản phẩm trải nghiệm phục vụ khách du lịch. Hỗ trợ truyền dạy các bài chiêng, hát, múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho 06 đội văn nghệ truyền thống tại các điểm du lịch cộng đồng; trang bị 110 bộ trang phục dân tộc cho đội văn nghệ, 08 bộ âm thanh đạo cụ (loa, âm ly, micro…) cho các đội văn nghệ, Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian.

Việc tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa Mo Mường, đồng thời áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt của người dân ngày càng trở nên phong phú, mang lại lợi ích lớn lao về giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân và luôn luôn tiếp tục khẳng định đó là sản phẩm quý giá, nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường nói chung và của người Mường Tân Lạc nói riêng.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-nhieu-hoat-dong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-muong-tai-huyen-tan-lac-a27088.html