Hóa giải bất đồng, hai quốc gia NATO khởi động đàm phán thương vụ 40 tiêm kích Eurofighter mang bom dẫn đường

Đức sẽ không phản đối việc khởi động các cuộc đàm phán kỹ thuật với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bán máy bay tiêm kích Eurofighter.

Đức bật đèn xanh bán tiêm kích cho Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: RAF)

Đức bật đèn xanh bán tiêm kích cho Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: RAF)

Kênh Ahaber của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/10 đưa tin, một phái đoàn gồm các nhà đàm phán đến từ Đức, Italy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu các cuộc đàm phán kỹ thuật, dự kiến kéo dài trong 3 tuần.

Với kế hoạch mua 40 máy bay tiêm kích Eurofighter, năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán thương vụ này với Anh và Tây Ban Nha, sau đó được cho là nhờ sự trợ giúp của London đã thuyết phục được Đức, quốc gia không sẵn sàng bán vũ khí cho các nước có hồ sơ pháp quyền và nhân quyền kém.

Hồi tháng 5/2024, trang mạng Bulgarian Military đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler khẳng định, Ankara vẫn "quan tâm" tới máy bay Eurofighter Typhoon do Anh, Tây Ban Nha, Đức cùng Italy hợp tác phát triển.

Tuy nhiên, có "một số vấn đề" mà Đức và Thổ Nhĩ Kỳ - hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn bất đồng.

Theo hãng thông tấn Anadolu, Ankara muốn mua 40 máy bay Eurofighter vốn được quảng bá là máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng "cung cấp đồng thời các năng lực không đối không và không đối đất", có thể mang bom dẫn đường bằng laser Paveway IV cùng nhiều loại tên lửa như: Meteor, AMRAAM, ASRAAM, IRIS-T, Storm Shadow, Brimstone...

Tạp chí Forbes dẫn lời Giáo sư Ali Bakir tại Đại học Qatar (Doha, Qatar), đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua các máy bay Eurofighter nhằm đa dạng hóa kho vũ khí, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ.

Ngoài ra, việc mua các máy bay tiêm kích hiện đại như Eurofighter có thể là "giải pháp tạm thời" của Ankara nhằm "thu hẹp khoảng trống về công nghệ" cho đến khi máy bay tiêm kích nội địa thế hệ thứ 5 KAAN chính thức được bàn giao.

Thêm vào đó, thương vụ này sẽ là phép thử cho khả năng hợp tác về quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo Forbes, việc xuất khẩu máy bay Eurofighter Typhoon cần có sự đồng thuận của cả Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-giai-bat-dong-hai-quoc-gia-nato-khoi-dong-dam-phan-thuong-vu-40-tiem-kich-eurofighter-mang-bom-dan-duong-289791.html