Hoa Lư đẩy mạnh giáo dục STEAM gắn với định hướng nghề nghiệp học sinh THCS
Nắm bắt xu thế đổi mới trong giáo dục và hướng nghiệp, những năm học gần đây, các trường THCS trên địa bàn huyện Hoa Lư đã đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEAM nhằm trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và mĩ thuật. Qua đó gắn dạy học với thực tiễn để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và nắm bắt định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Giáo dục STEAM là "giải pháp mới" giúp học sinh nâng cao khả năng trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Các kiến thức và kỹ năng được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
Nắm bắt những ưu điểm đó của giáo dục STEAM, Trường THCS Ninh Vân đã giới thiệu cho học sinh từ lớp 6 về nghề đá mỹ nghệ truyền thống của địa phương. Qua đó, các em được tìm hiểu và tiếp cận với nghề từ sớm. Đây cũng là cách giúp cho công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn.
Cô giáo Lê Thị Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Vân cho biết: Năm học 2022-2023, Trường THCS Ninh Vân có 748 học sinh/18 lớp. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục sau THCS có phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức lớp giáo dục hướng nghiệp trên cơ sở phát huy nghề truyền thống làm đá mỹ nghệ dưới hình thức CLB giáo dục STEAM với định hướng "Nghề chế tác đá mỹ nghệ" cho học sinh. CLB đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của gần 40 học sinh và giáo viên, là con em làng nghề cùng tham gia truyền dạy, giới thiệu về nghề truyền thống.
Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các nghệ nhân nghề đá, phụ huynh cũng hỗ trợ nhiều mặt để CLB giáo dục STEAM của nhà trường hoạt động hiệu quả.
Từ hoạt động của CLB, học sinh đã biết vẽ phác thảo ý tưởng trên giấy; can hình trên đá; trạm nét hoa văn trên những phiến đá mỏng; đá được phun sơn đen; trổ nền, tách hoa văn; lấy khối; sử dụng phần mềm vẽ 3D cho máy CNC chạm khắc đá, nhiều học sinh đã hỗ trợ gia đình một số công đoạn trong quá trình chế tác đá mỹ nghệ.
Theo các giáo viên, ưu điểm của hình thức giáo dục STEAM là lồng ghép hướng nghiệp trong kế hoạch dạy học các bộ môn. Trong quá trình dạy học, giáo viên bộ môn giới thiệu cho học sinh thấy được tính ứng dụng thực tế của kiến thức trong bài học và sự liên quan giữa môn học với các nghề nghiệp trong xã hội. Thông qua hoạt động trải nghiệm để học sinh có kiến thức thực tế, tìm ra thế mạnh của bản thân, từ đó xây dựng lộ trình học tập để thực hiện mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Cô giáo Trịnh Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Hải cho biết: Ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã thành lập CLB STEAM để dạy cho học sinh về nghề thêu ren truyền thống của xã Ninh Hải. Nhà trường phối hợp với Hội Phụ nữ xã mời một số nghệ nhân thêu ren về dạy cho học sinh từ 1-3 buổi/tuần. Trong quá trình học tập, các thầy, cô giáo, các nghệ nhân thêu ren tổ chức cho học sinh tham quan một số địa chỉ đang làm nghề thêu truyền thống của quê hương, giúp các em nắm được kỹ thuật, các bước, công đoạn làm ra sản phẩm thêu ren đẹp. Hầu hết học sinh phấn khởi, hào hứng tham gia, đồng thời hiểu được học nghề cũng là cách để gìn giữ nét đẹp truyền thống của quê hương.
Em Đinh Thị Yến Ngọc, học sinh lớp 9A, Trường THCS Ninh Hải cho biết: Với mong muốn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của quê hương, em tham gia CLB giáo dục STEAM của trường. CLB đã trang bị cho em nhiều kiến thức, kỹ thuật về nghề thêu ren, từ đó tạo nền tảng giúp em định hướng nghề nghiệp tương lai gắn với nghề thêu ren.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục STEAM là giúp cho học sinh có được nghề nghiệp phù hợp để phát triển tương lai và đóng góp cho xã hội. Làm tốt công tác hướng nghiệp cũng là giúp cho công tác phân luồng hiệu quả, học sinh xác định được mục tiêu của bản thân và xác lập nghề nghiệp đúng đắn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Du, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoa Lư cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, từ năm học 2020-2021, Phòng GD&ĐT Hoa Lư đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS trong huyện triển khai thực hiện giáo dục STEAM trong nhà trường với các hình thức như dạy học các môn khoa học theo bài học STEAM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEAM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật. Qua gần 3 năm học, đã có 11/11 trường THCS trong huyện tích cực triển khai thực hiện, vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức.
Hình thức giáo dục STEAM góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện dạy học; thống nhất được nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức áp dụng vào các môn học; góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Đặc biệt, trên cơ sở kiến thức đã học, học sinh có thể sáng tạo ra những sản phẩm đơn giản phục vụ cho việc học tập và các nhu cầu của cuộc sống, góp phần hình thành tư duy khoa học, ý thức, trách nhiệm; giúp các em có những trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Hoa Lư đã có 3 trường, gồm Trường THCS Ninh Hải, THCS Ninh Vân, THCS Ninh Thắng thực hiện mô hình điểm về triển khai CLB STEAM gắn với định hướng nghề nghiệp là nghề truyền thống thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, quy trình trồng, chế biến và ướp chè sen.
Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT Hoa Lư chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn tiếp tục thực hiện và tạo sức lan tỏa hơn nữa về phát triển nghề truyền thống tại các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo và tạo điều kiện cho các CLB nhà trường hoạt động thuận lợi và hiệu quả.