Họa sĩ Lý Trực Sơn hữu duyên cùng 'Đất'

Sau những thành công trên chất liệu sơn mài và giấy dó, triển lãm 'Đất' là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Lý Trực Sơn - một trong những tên tuổi gạo cội của nền mỹ thuật Việt Namđúc kết thành quả 10 năm lao động nghệ thuật miệt mài để tìm kiếm một chất liệu ngôn ngữ mới.

Họa sĩ Lý Trực Sơn tại triển lãm “Đất”.

Họa sĩ Lý Trực Sơn tại triển lãm “Đất”.

Không quá bất ngờ khi bước chân vào Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) lần này, nhưng vẫn ngạc nhiên khi đứng trước những tác phẩm mà họa sĩ Lý Trực Sơn mang tới cuộc triển lãm cá nhân “Đất” lần này. Gần 50 tác phẩm hội họa trừu tượng mang dấu ấn thử nghiệm độc đáo của họa sĩ Lý Trực Sơn. Triển lãm mở cửa tới hết ngày 17/11.

Họa sĩ Lý Trực Sơn cho biết, hầu hết những tác phẩm này được ông thực hiện trong 3 năm từ cuối 2022 đến 2024, trong đó có đến 16 bức tranh khổ lớn với kích thước 4,2m x 2,1m.

Bạn nghề và công chúng yêu hội họa đã biết đến một Lý Trực Sơn qua những tác phẩm trên chất liệu sơn mài truyền thống. Nhưng “gừng càng già càng cay”, họa sĩ Lý Trực Sơn đã giã từ chất liệu sơn mài - sơn ta, ngôn ngữ tạo hình truyền thống đã gắn với tên tuổi của mình, hay chất liệu giấy dó đã theo ông trong suốt những năm tháng rong ruổi nơi xa xứ, để bước sang “tìm mình”, “làm mới mình” thông qua những chất liệu mới. Và triển lãm “Đất” lần này là một cuộc hữu duyên từ chất liệu, không gian, thời gian, ngôn ngữ sáng tác, đến tâm thế và tinh thần nghệ thuật.

Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình trí thức nền nếp và gắn bó với cách mạng. Ông từng giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại đây vào năm 1979. Ông từng du học tại Pháp (theo học bổng của Chính phủ Pháp) và sinh sống, sáng tác nhiều năm tại Châu Âu (1989 -1998)...

Lý Trực Sơn sáng tác trên nhiều chất liệu bao gồm sơn mài, giấy dó, sơn dầu và chất liệu tổng hợp. Các sáng tác của ông song hành cùng những biến đổi chính trị xã hội thời cuộc và những chuyến đi. Ông đồng sáng lập nhóm Sơn Ta và là một thành viên tích cực của nhóm (2013 - 2018). Mục tiêu của nhóm Sơn Ta là tìm tòi, phát triển ngôn ngữ riêng cho sơn mài thành một ngôn ngữ tạo hình độc đáo tiếp nối Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Lan Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-si-ly-truc-son-huu-duyen-cung-dat-10292152.html