Khám phá không gian văn hóa Mường trên con đường Tây Tiến

Nằm trên nhánh đường Tây Tiến cách trung tâm TP Hòa Bình khoảng 5km, bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là một điểm đến không thể bỏ lỡ đối với những người yêu thích văn hóa và muốn tìm hiểu về đời sống của dân tộc Mường.

Trải nghiệm không gian văn hóa người Việt cổ

Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp có diện tích 5ha. Cách Hà Nội 80km về phía tây, cách trung tâm thành phố Hòa Bình 7km hướng đi Sơn La (nằm trên con đường mới mang tên Đường Tây Tiến). Đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Bảo tàng " Không gian văn hóa Mường" là Bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Du khách từ Hà Nội có thể đi từ cao tốc Láng Hòa Lạc, rẽ ra Xuân Mai và đi thẳng lên thành phố Hòa Bình. Từ trung tâm thành phố Hòa Bình du khách đi theo đường QL6 đến chân dốc Cun và rẽ theo nhánh đường Tây Tiến (khoảng 5km). Dọc theo đường Tây Tiến khoảng 2,5 km, du khách có thể thấy lối vào bảo tàng.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cách Hà Nội khoảng hơn 1 giờ di chuyển.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cách Hà Nội khoảng hơn 1 giờ di chuyển.

Tại khuôn viên bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường, tạo nên cảm giác như lạc vào một ngôi làng xưa cũ, nơi cuộc sống gắn liền với thiên nhiên.

Được sáng lập bởi họa sĩ Vũ Đức Hiếu vào năm 2007, bảo tàng giúp giới thiệu những giá trị truyền thống về đời sống, tín ngưỡng và nghệ thuật của người Mường. Nơi đây cũng là một điểm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa bản địa.

Anh Hiếu chia sẻ: ‘Trước đây từ “Mường” là chỉ nơi chốn, cư trú, nơi sinh hoạt tập thể, một làng, một bản nào đó thì được gọi là một “Mường”. Không chỉ người Mường dùng từ “Mường” mà còn có người Thái, người Mông… Người Mường trước sống ở các vùng “Mường” cũng như người Kinh sống ở vùng Kinh kỳ gọi chung là người Việt cổ".

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang say sưa tạo hình những tác phẩm nghệ thuật gốm của mình.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang say sưa tạo hình những tác phẩm nghệ thuật gốm của mình.

Để tái hiện đời sống của người Mường, bảo tàng thiết kế các khu vực trưng bày, mỗi khu vực đều mang đến cho du khách một góc nhìn rõ nét về văn hóa, tín ngưỡng và hoạt động hàng ngày của dân tộc này.

Đặc biệt, những ngôi nhà sàn truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn là điểm nhấn của không gian nơi đây. Nhà sàn Mường có kiến trúc độc đáo với sàn nhà cao, cột gỗ chắc chắn và mái lá cọ, không chỉ để chống thú dữ mà còn bảo vệ người dân khỏi thiên tai.

Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung bao gồm: khu Tái hiện và khu Trưng bày. Khu tái hiện: gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường.

Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường. Nguyên liệu dùng để làm được lấy từ các loại thảo mộc như: Gỗ, tre, nứa, lá…là những loại cây rất gần gũi với người Mường.

Khu trưng bày: Gồm các nhà trưng bày theo chủ đề, trưng bày cố định Trong đó có rất nhiều hiện vật có giá trị như: Cồng, Chiêng, Lư , Ninh bằng đồng…) và nhiều các hiện vật về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa… của người mường như: công cụ đánh bắt cá, công cụ nghề dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, đồ dùng sinh hoạt gia đình, xe nước…

Không gian văn hóa Mường được tái hiện một cách sinh động.

Không gian văn hóa Mường được tái hiện một cách sinh động.

Du lịch trải nghiệm kết hợp giáo dục văn hóa

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu chọn xây dựng bảo tàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam về văn hóa Mường tại Hòa Bình, vì theo anh, Hòa Bình là cái nôi của văn hóa Mường cổ.

Không gian về xã hội Mường thu nhỏ hình thành từ hơn 100 năm trước được người họa sĩ tái hiện một cách sống động trong diện tích 5 hecta qua các hiện vật gốc liên quan đến kiến trúc, đời sống, tập tục, ngôn ngữ.

Anh Hiếu chia sẻ: “ Các sản phẩm sưu tầm khi trưng bày tôi không đặt chúng vào tủ kính để trở thành hiện vật chết, mà đặt vào đúng không gian, vị trí và công năng sử dụng để người xem được tiếp cận, tương tác với văn hóa Mường ở khoảng cách gần nhất trong không gian một bảo tàng sống.

Các hiện vật trưng bày không phải đẹp nhất, hay nhất, giá trị nhất, mà cái tôi muốn là những cái thực nhất, bình dị nhất của cuộc sống người Mường hằng ngày.

Các hiện vật trưng bày được tái hiện một cách tỉ mỉ tái hiện một cách sinh động về văn hóa người Việt xưa.

Các hiện vật trưng bày được tái hiện một cách tỉ mỉ tái hiện một cách sinh động về văn hóa người Việt xưa.

Một trong những điểm độc đáo của bảo tàng mà anh Hiếu tâm đắc đó là du khách không chỉ được quan sát, mà còn có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa truyền thống của người Mường. Bảo tàng sẽ kết hợp triển khai giáo dục qua các lớp học sinh, sinh viên Hà Nội về tổ chức các khóa trải nghiệm thực tế.

"Tôi mong muốn có thể gieo mầm cho các bạn trẻ có niềm yêu thích với văn hóa Mường nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Một ngày tại bảo tàng các bạn sẽ được khám phá không gian chân thực qua các khu vực trưng bày kết hợp cùng trải nghiệm hoạt động thủ công như đan vát, đốt lửa trại hay bình dị như nướng khô, nướng khoai.

Các bạn sẽ được thả hồn mình trong không gian văn hóa hòa với thiên nhiên. Từ đó, các bạn có cơ sở, tiền đề để so sánh, đối chiếu với các nền văn hóa khác tạo nên nền kiến thức phong phú".

Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu tới cuối năm nay bảo tàng dự định sẽ mở thêm một khu trưng bày nghệ thuật đương đại. Theo đó, các sản phẩm được sưu tầm, kết hợp với nhiều nghệ sĩ quốc tế từ Thái Lan, Ấn Độ, Philipines...

Sản phẩm từ các nghệ nhân trên thế giới sáng tác dựa trên chất liệu không gian văn hóa Mường.

Sản phẩm từ các nghệ nhân trên thế giới sáng tác dựa trên chất liệu không gian văn hóa Mường.

"Các nghệ sĩ từ các nước đã từng tới và làm việc tại bảo tàng sẽ lấy văn hóa Mường làm nguồn cảm hứng và câu chuyện sáng tác của mỗi cá nhân.

Họ tìm về văn hóa bản địa, tìm về gốc của người Việt cổ, sau đó sẽ sáng tạo ra sản phẩm, ngôn ngữ và chất liệu của họ. Sau đó, các sản phẩm sẽ được gửi về tại khu trưng bày nghệ thuật đương đại dự kiến được mở vào cuối năm nay", anh Hiếu chia sẻ.

Bảo tàng Không Gian Văn Hóa Mường không chỉ là nơi bảo tồn và giới thiệu văn hóa Mường, mà còn là nơi để du khách được sống lại những khoảnh khắc giản dị, chân thật của cuộc sống đồng bào Mường và giao lưu văn hóa nghệ thuật đương đại trên quốc tế. Đây là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn trốn khỏi nhịp sống hiện đại, tìm về với thiên nhiên và khám phá những giá trị văn hóa truyền thống.

Đăng Minh

Chi Lê

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kham-pha-khong-gian-van-hoa-muong-tren-con-duong-tay-tien-192241011185019384.htm