Họa sĩ Mộng Bích lặng lẽ Đi giữa hai thế kỷ

Hành trình hội họa vắt qua hai thế kỷ, hơn 60 năm cầm cọ và có nhiều tác phẩm đặc sắc góp phần vào sự phát triển mỹ thuật nước nhà, tuy nhiên họa sĩ Mộng Bích (87 tuổi) đến nay mới có triển lãm cá nhân đầu tiên.

Triển lãm của “người đàn bà vẽ” - họa sĩ Mộng Bích có chủ đề Đi giữa hai thế kỷ, diễn ra trong 1 tháng, từ 22/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm này có tranh lụa, màu nước và ký họa tiêu biểu xuyên suốt hành trình sáng tạo của bà trong nhiều chục năm. Đi giữa hai thế kỷ được chờ đón bởi sẽ giúp người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những bức chân dung đầy ám ảnh đã làm nên tên tuổi Mộng Bích, mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh qua lời kể của họa sĩ, để có thêm phương tiện cảm nhận đa chiều, sống động hơn về bối cảnh xã hội cũng như thế giới nhân vật trong tranh của bà.

Gần 90 tuổi nhưng họa sĩ Mộng Bích vẫn vẽ mỗi ngày.

Gần 90 tuổi nhưng họa sĩ Mộng Bích vẫn vẽ mỗi ngày.

Các tác phẩm ấy đa dạng về hình thức biểu đạt, từ bà lão ăn mày vô tình bắt gặp trên đường đến người thầy đáng kính Trần Văn Cẩn. Từ quang cảnh xóm Chăm chìm trong hoàng hôn cùng bầu trời đỏ rực đến chiếc rổ sảo, bình gốm trong căn nhà nữ họa sĩ đang sống ở vùng quê Bắc Ninh. Tất cả được miêu tả vô cùng sống động bằng nét vẽ cũng như lời kể của Mộng Bích. “Tranh của bà vượt thoát khỏi mọi phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn. Triển lãm này là sự thừa nhận vị trí có một không hai của Mộng Bích trong di sản lịch sử nghệ thuật Việt Nam” - GS. Nora Taylor, Học viện Mỹ thuật Chicago (Mỹ) nhận định.

Dù đã chạm ngưỡng 90 mùa xuân, họa sĩ Mộng Bích vẫn tiếp tục thực hiện những ấp ủ của mình với hội họa. Mắt đã mờ, chân đã chậm, tay đã run run nhưng hiện nay họa sĩ Mộng Bích vẫn miệt mài làm bạn với cây cọ vẽ mỗi ngày ở căn nhà nhỏ tại làng Na của vùng đất quan họ. Chính vì lẽ đó, nhiều người gọi Mộng Bích là “Cây đại thụ lặng lẽ của nền mỹ thuật Việt Nam”. Trong hành trình sáng tác tranh không ngừng nghỉ, họa sĩ Mộng Bích cũng đã để lại nhiều dấu ấn và thành công trong nền hội họa Việt Nam.

Mộng Bích tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (hệ trung cấp khóa 1956-1960, hệ đại học khóa 1965-1970), là học trò của những danh họa nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đức Nùng... Trong số hàng ngàn bức tranh của bà, nhiều tác phẩm đã nhận được các giải thưởng như bức Mẹ và con - Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc (năm 1961), tác phẩm Bà già - Giải Nhất tại Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 1993). Ngoài ra, nhiều bức tranh lụa nổi tiếng của Mộng Bích hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có: Nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ, Tĩnh vật, Ông già người Chăm, Em bé ngủ...

Ông trời se duyên Mộng Bích với một nghệ sĩ violon, nhưng lại bắt bà phải bôn ba, lăn lộn chăm chồng suốt nhiều năm, sau đó chồng bà qua đời. Mộng Bích cũng mất hai con nhỏ, vất vả đời thường với những tháng ngày gian truân. Nhưng chính sự éo le ấy đã đưa Mộng Bích tìm đến lối thoát qua những bức tranh. Theo họa sĩ Đỗ Đức, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng rất ít người biết đến Mộng Bích. Bà sống lặng lẽ, chỉ xuất hiện ở triển lãm bằng tác phẩm. Nhưng trong các bản ký họa, phác thảo, tranh lụa của Mộng Bích, hình ảnh con người hiện lên vô cùng thân thương. Đặc biệt ở mảng chân dung những người đàn bà nhiều tuổi, những nếp gấp thời gian, cảm xúc trên khuôn mặt, đôi tay, đôi chân được vẽ cực kỳ tinh tế, trang phục tỉ mẩn đến từng chi tiết.

Giới trong nghề đánh giá, tranh của họa sĩ Mộng Bích không màu mè rực rỡ, mà có độ trầm của dấu vết thời gian, khiến không gian trở nên xưa cũ, giản dị, nhưng là giản dị đỉnh cao, bởi sự sâu sắc ẩn ngầm bên trong. Nữ họa sĩ vẫn đang “vẽ tranh bằng bản năng và đầy cảm xúc” như người thầy - cố danh họa Trần Văn Cẩn đánh giá.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoa-si-mong-bich-lang-le-di-giua-hai-the-ky-n181616.html