Hoàn thành cơ bản các mục tiêu, tiếp tục nỗ lực giữ vững nhịp đập thị trường

Được thành lập từ năm 1998, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSTC), nay là Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE), chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7/2000, đánh dấu sự khởi đầu của TTCK Việt Nam.

Ngày 20/7/2000, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khai trương hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HOSE

Ngày 20/7/2000, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khai trương hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HOSE

Bắt đầu với 2 doanh nghiệp (DN) niêm yết (DNNY) và 6 công ty chứng khoán, HOSTC đã xác định các mục tiêu trọng yếu là gia tăng số lượng và quy mô các DNNY, nâng cao tính minh bạch, chất lượng hàng hóa, dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại để thu hút đầu tư và nâng cao thanh khoản. Sau 20 năm, các mục tiêu về cơ bản đã đạt được.

Gia tăng số lượng, quy mô và chất lượng hàng hóa

Từ 2 DN ban đầu, rồi 5 DN vào cuối năm 2000, số DNNY tăng lên hơn 106 vào năm 2006, hơn 275 vào năm 2010 và 301 vào năm 2011. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các DN dần nhận ra lợi ích của việc niêm yết trên TTCK trong việc huy động vốn để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng quản trị công ty, cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng uy tín thương hiệu trong và ngoài nước.

Số lượng DNNY tăng đều và đạt 380 DN vào tháng 3/2020. HOSE đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi niêm yết các DN hàng đầu của nền kinh tế, với các ngành nghề trải đều trên 11 ngành, lĩnh vực. Giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 986 tỷ đồng cuối năm 2000 lên 3,2 triệu tỷ đồng cuối 2019, tương đương hơn 54% GDP. Đặc biệt, tới nay, trên HOSE đã có 23 DNNY có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Giai đoạn 2007 - 2016 chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường tăng gấp 10 lần và tiếp tục tăng gấp đôi trong năm 2018.

Qua 20 năm, các DNNY trên HOSE đã huy động hơn 295 nghìn tỷ đồng qua 834 đợt phát hành thêm. Đặc biệt, giai đoạn 2010 - 2019, có trung bình 66 đợt phát hành thêm mỗi năm với giá trị vốn huy động hơn 26,5 nghìn tỷ đồng.

Nếu số lượng các DNNY gia tăng thu hút sự quan tâm của các NĐT, thì chất lượng hàng hóa, dịch vụ mới thực sự khiến các NĐT bỏ tiền vào TTCK. Các DN sau khi niêm yết trên HOSE có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng quản trị công ty và hiệu quả hoạt động. Với các nỗ lực của HOSE trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DNNY, các DN đã quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền bình đẳng giữa các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ và cổ đông nước ngoài; công bố thông tin đầy đủ và chi tiết hơn. Hiện nay, NĐT nước ngoài (NĐTNN) đã tham gia đầu tư và sở hữu trung bình 19,26% vốn hóa của các DNNY trên HOSE, tương đương 24,65 tỷ USD.

Hàng hóa trên HOSE không dừng lại ở cổ phiếu, trái phiếu DN mà đã mở rộng sang chứng chỉ quỹ đầu tư năm 2004, chứng chỉ quỹ ETF vào năm 2014 và chứng quyền đảm bảo vào năm 2019. Bên cạnh đó, hơn 20 chỉ số đã được triển khai, trong đó, chỉ số VN30 - chỉ số giá của Top 30 DN hàng đầu của HOSE được nhiều NĐT trong và ngoài nước quan tâm.

Phát triển hạ tầng hiện đại để thu hút đầu tư và nâng cao thanh khoản

HOSE luôn chú trọng đến vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) trong việc vận hành hoạt động của TTCK và luôn hướng tới việc phát triển hạ tầng CNTT tiệm cận tiêu chuẩn và xu hướng quốc tế. Hệ thống giao dịch của HOSE cũng liên tục được nâng cấp để cung cấp các tiện ích giao dịch mới, các phương thức giao dịch hiện đại, từ đó tác động tích cực đến thanh khoản trên TTCK.

Khớp lệnh định kỳ chuyển sang khớp lệnh liên tục vào năm 2007, giao dịch trực tuyến vào năm 2009, kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều vào năm 2012 góp phần nâng giá trị giao dịch tăng gấp 3 lần vào các năm 2007 và 2009. Trong 3 năm gần đây đã vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng/năm, đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường có giá trị vốn hóa thứ 5 và thanh khoản thứ 2 trong khu vực ASEAN năm 2019 xét về tốc độ quay vòng chứng khoán. Đóng góp vào thanh khoản chính là 74 công ty chứng khoán thành viên với hơn 2,3 triệu tài khoản của NĐT, trong đó có 15,4 nghìn NĐT có tổ chức và 33,8 nghìn NĐTNN. Với hệ thống CNTT mới hiện đại cho toàn thị trường sắp đi vào vận hành, các sản phẩm dịch vụ và thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ thay đổi lớn, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa và xây dựng TTCK có tính bền vững hơn.

Sau 20 năm phát triển, dưới sự lãnh đạo và ủng hộ của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN, cùng sự hỗ trợ của UBND TP. Hồ Chí Minh, HOSE vẫn không ngừng nỗ lực trong hành trình xây dựng TTCK Việt Nam ngày càng vững mạnh, đảm bảo các nguyên tắc công bằng, minh bạch và hiệu quả. Các giải pháp nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho TTCK Việt Nam theo hướng hội nhập sâu rộng, toàn diện, …. Trong hành trình mới ấy, HOSE vẫn tiếp tục nỗ lực giữ vững nhịp đập cho TTCK Việt Nam.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-07-20/hoan-thanh-co-ban-cac-muc-tieu-tiep-tuc-no-luc-giu-vung-nhip-dap-thi-truong-89716.aspx