Hoàn thành công tác chi trả tiền hỗ trợ an sinh xã hội trong tháng 8
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, thành phố đã ra quyết định phê duyệt hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ cho hơn 500 nghìn người, với tổng số tiền hơn 590 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, thành phố đã ra quyết định phê duyệt hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ cho hơn 500 nghìn người, với tổng số tiền hơn 590 tỷ đồng.
Đến ngày 18-8, đã thực hiện chi trả cho hơn 475 nghìn người với số tiền gần 565 tỷ đồng, đạt 94,9%. Dự kiến, đến hết tháng 8-2020, thành phố hoàn thành công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng. Tại đợt chi trả đợt hai cho năm nhóm đối tượng, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 111 nghìn người với kinh phí 112,5 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm lao động tự do. Trước đó, thành phố đã hoàn thành chi trả cho ba nhóm đối tượng được hưởng trong đợt một cho hơn 385 nghìn người, với kinh phí hơn 474 tỷ đồng.
Trang trí đường phố mừng Quốc khánh 2-9
Kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh 2-9, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan tại các tuyến phố, khu vực trung tâm thành phố. Tại khu vực nội thành, khu vực trung tâm thành phố và các trục đường chính, đơn vị dựng các cụm pa-nô cố định. Đồng thời, duy trì trang trí các mô hình chiếu sáng tại đảo giao thông trước Nhà hát Lớn, Quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô. Trang trí băng-rôn dọc các tuyến đường chính và khu vực trung tâm thành phố. Trang trí cờ Đảng, cờ Tổ quốc và hồng kỳ tại hệ thống cột trước khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước. Trang trí giá treo cờ tại các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố, chung quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những nội dung tuyên truyền cổ động trực quan tại các tuyến phố, khu vực trung tâm thành phố nhằm khẳng định tầm vóc thời đại, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, khẳng định vai trò của Đảng, Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn năm 2021. Trong năm tới, thành phố phấn đấu có thêm khoảng 30 nghìn doanh nghiệp mới; tạo thêm 150 nghìn việc làm cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và hơn 30% ngân sách thành phố. Để đạt các mục tiêu trên, thành phố tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ; cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường... Đáng chú ý, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp kết nối với doanh nghiệp quốc tế, tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ…
Kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở qua đường sắt
Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, tính đến tháng 7-2020 trên địa bàn đã xảy ra bảy vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết bốn người, bị thương hai người. Địa bàn xảy ra tai nạn là các huyện Phú Xuyên, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và quận Hoàng Mai. Trong khi đó, một số lối đi tự mở ngang đường sắt trên địa bàn có lưu lượng phương tiện qua lại tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông. Để bảo đảm an toàn giao thông tại các lối đi tự mở, thành phố yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở rộng từ ba mét trở lên, lưu ý những nơi có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn để tổ chức cắm biển hạn chế phương tiện, tải trọng.