Hoàn thành sơ đồ các tuyến vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng về Việt Nam
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các tỉnh giáp Lào và Campuchia đã tổ chức điều tra cơ bản, dựng được sơ đồ hướng, tuyến vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng vào biên giới nước ta và vào trong nội địa. Trên cơ sở đó, lực lượng Công an sẽ đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh, giải quyết các đường dây, tụ điểm ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Tập trung chặn ma túy từ xa
Thực hiện Phương án số 02/PA-BCA-C04 ngày 9/8/2021 của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy (TPMT) trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung-Tây Nguyên và Tây Nam (gọi tắt là Phương án số 02), trên cơ sở tập hợp số liệu của Công an các đơn vị, địa phương, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) đã hoàn thành sơ đồ các tuyến vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng đến biên giới nước ta và sơ đồ tuyến vận chuyển ma túy trong nội địa.
Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc đã lập 493 hồ sơ điều tra cơ bản theo 5 lĩnh vực của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy; rà soát, bổ sung tài liệu gần 11.500 hồ sơ, đấu tranh gần 300 chuyên án, hơn 530 đối tượng truy nã.
Lực lượng Công an phát hiện nhiều vụ vận chuyển MTTH dạng bột, nhiều khả năng sẽ có hoạt động gia công ma túy ở trong nước.
Cụ thể, tại các địa bàn đối biên thuộc Lào, qua phối hợp rà soát, Cục C04 và Công an 10 tỉnh giáp Lào xác định hiện có 46 đối tượng truy nã về ma túy có tài liệu nghi đang lẩn trốn tại Lào, trong đó có 13 đối tượng có địa chỉ tương đối cụ thể; 18 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại các xã biên giới của Lào giáp Việt Nam; 87 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua biên giới về Việt Nam; 131 đối tượng cầm đầu ở Lào điều hành các đường dây trên; 4 điểm sản xuất ma túy; 18 điểm tập kết ma túy; gần 330ha trồng cây thuốc phiện, cây cần sa ở phía đối biên Việt Nam.
Tình hình TPMT tại Lào cũng ngày càng phức tạp. Trong năm 2021, Lào bắt giữ 3.756 vụ, thu giữ 16 tấn ma túy các loại, gấp 4 lần so với năm 2020. Đáng chú ý, ngày 29-12-2020, tại khu vực cửa khẩu Na Phau, tỉnh Khăm Muộn, cơ quan chức năng Lào bắt 2 đối tượng người Việt Nam và 1 đối tượng người Lào đang vận chuyển 214 kg cần sa khô về Việt Nam. Mở rộng vụ án, CQĐT bắt thêm 3 người Việt Nam liên quan khác.
Ngày 14, 15-1-2021, bắt 2 vụ, 5 đối tượng, thu giữ gần 5,5 triệu viên MTTH. Ngày 27-6-2021, bắt 8 đối tượng về hành vi sản xuất MTTH tại 8 điểm thuộc tỉnh U Đôm Xay, thu giữ 1 tấn ma túy, 3 máy móc sản xuất và nhiều tài liệu, dụng cụ liên quan. Ngày 15-7-2021, tại thủ đô Viêng Chăn, bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy, thu giữ 17 triệu viên MTTH; mở rộng vụ án thu thêm hơn 5 triệu viên MTTH nữa (tổng cộng hơn 220 kg).
Tại Lào, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy vẫn diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa bàn trọng điểm với quy mô và diện tích ngày càng tăng.
Còn tại địa bàn đối biên thuộc Campuchia, lực lượng Công an đã xác định được 17 điểm phức tạp về ma túy, 1 điểm tập kết ma túy, 9 đường dây, 8 đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Campuchia về Việt Nam. Năm 2021, lực lượng thực thi pháp luật Campuchia đã phát hiện gần 5.900 vụ phạm pháp về ma túy, chiếm tới gần 70% số vụ phạm pháp hình sự tại nước này, bắt giữ trên 12.000 đối tượng, thu giữ khoảng 1,4 tấn ma túy.
Lực lượng Công an Campuchia cũng phát hiện 51 vụ vận chuyển từ Lào vào Campuchia qua các tỉnh giáo biên, sau đó vận chuyển sang Việt Nam. Ma túy được tập kết tại khu vực biên giới Campuchia-Việt Nam, sau đó vận chuyển qua sông, đường mòn, lối mở hoặc cất giấu trong hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu, tập trung nhiều ở trên tuyến biên giới Tây Nam (Tây Ninh, Long An, An Giang).
Bên cạnh một số vụ vận chuyển ma túy quy mô trung bình, đã phát hiện nhiệu vụ vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn từ Campuchia về Việt Nam. Kết quả bắt giữ cho thấy, bên cạnh heroin, MTTH các loại được phát hiện ngày càng nhiều hơn cả về số vụ và số đối tượng. Đáng chú ý, ngoài số MTTH thành phẩm dạng viên nén, đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển MTTH dạng bột, đóng thành túi, nên có nhiều khả năng sẽ có hoạt động gia công ma túy ở trong nước.
Lực lượng Công an cũng đã phát hiện thông tin về nhóm đói tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), người gốc Phi… tổ chức các đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam.
Dựng nhiều “thành trì” ngăn dòng chảy ma túy
Cùng với việc nắm chắc tình hình để chặn ma túy ngay từ ngoại biên, lực lượng Công an cũng có kế hoạch phòng chống ma túy theo nhiều lớp.
Theo đó, lớp thứ 2 là tại địa bàn cấp xã biên giới của nước ta giáp với Lào và Campuchia. Tại 10 tỉnh giáp biên với Lào, có 157 xã biên giới với 33 cửa khẩu cùng hàng trăm đường mòn, lối mở. Qua rà soát, đã xác định có 4.400 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; 217 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Còn tại 6 tỉnh giáp biên với Campuchia, có 89 xã biên giới với 24 cửa khẩu, hàng trăm đường mòn, lối mở và 118 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Tại các tỉnh, thành phố trên 4 tuyến trọng điểm, được coi là lớp thứ 3 trong Phương án của Bộ Công an, Công an các địa phương đã tiến hành khảo sát, lên danh sách các đường dây, tụ điểm phức tạp về ma túy. Hiện đã xác định được 11 đường dây, 2.411 đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy; 534 đối tượng truy nã về ma túy; 645 điểm, 41 tụ điểm phức tạp về ma túy; 119.323 người nghiện ma túy.
Theo thống kê của Công an 63 tỉnh, thành phố, cả nước có 159 tụ điểm, 1.931 điểm phức tạp về ma túy; trong đó, đã triệt xóa được 89 tụ điểm, 1.139 điểm, đưa ra và không hoạt động 5 điểm. Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn 70 tụ điểm, 787 điểm phức tạp về ma túy.
Trong năm 2021, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 26.193 vụ, gần 38.300 đối tượng, thu giữ hơn 683 kg heroin, hơn 140 kg thuốc phiện; gần 1 tấn cần sa; 2,77 tấn và trên 2,33 triệu viên MTTH, 67 khẩu súng, 7 lựu đạn, hàng trăm viên đạn cùng nhiều vật chứng có liên quan. Trong đó, phần lớn các vụ bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn đều tại các địa bàn trọng điểm.
Điển hình như ngày 4/4/2021, tại phường 10, quận 11, TPHCM, Cục C04 phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TPHCM phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, bắt giữ 4 đối tượng, thu 49 bánh heroin, 13 kg MTTH dạng đá, 8 kg MTTH ketamine, 11.000 viên MTTH, 1.000 lọ ma túy dạng nước (thường gọi là “nước biển”), 5.000 gói ma túy dạng bột có in logo Mercedes.
Ngày 23/5/2021, tại đường Cao Thắng, Quận 10, TPHCM, Cục C04 phối hợp Công an TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức bắt quả tang 1 đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia qua biên giới Tây Ninh, Long An về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ 5 kg MTTH dạng đá. Tiến hành đồng loạt bắt mở rộng và khám xét khẩn cấp chỗ ở của 4 đối tượng liên quan, các lực lượng chức năng đã thu giữ thêm 25,5 kg MTTH dạng đá, 14.000 viên thuốc lắc…
Tiếp tục thực hiện Phương án số 02, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cả nước sẽ tập trung lực lượng, phương tiện với mục tiêu kiểm soát được tình hình TPMT trên cả 4 tuyến trọng điểm và các tuyến, địa bàn liên quan, kể cả ở ngoại biên, không để TPMT cấu kết, móc nối hoạt động giữa 4 tuyến trọng điểm và với các tuyến, địa bàn khác.
Đồng thời, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế cụ thể, hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm, không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển ma túy quốc tế.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, thực hiện Phương án số 02, ngoài việc dựng sơ đồ các tuyến vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng đến biên giới nước ta và sơ đồ tuyến vận chuyển ma túy trong nội địa, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, kết hợp với rà soát, thống kê đối tượng ngáo đá trong toàn quốc, trong đó triển khai làm điểm tại Hà Nội và TPHCM.
Cục C04 cũng đã làm việc với Công an tỉnh Sơn La nắm tình hình số đối tượng truy nã đang lẩn trốn tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La và bàn giải pháp triển khai công tác vận động, truy bắt. Các Cục nghiệp vụ Bộ Công an còn khảo sát xây dựng kế hoạch lắp camera trên các tuyến giao thông, phục vụ Phương án số 02 và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng chống ma túy; phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức các lớp huấn luyện bổ sung kỹ, chiến thuật chiến đấu và thực hành các dạng phương án tác chiến, đấu tranh với tội phạm ma túy tại địa bàn trọng điểm và tuyến biên giới Việt Nam-Lào.
Cùng với đó, C04 đã cử đoàn công tác sang Lào trao đổi thông tin, điều tra cơ bản và phối hợp với phía bạn truy bắt đối tượng truy nã về ma túy đang lẩn trốn tại Lào. Công an các địa phương cũng tổ chức điều tra cơ bản theo 5 lĩnh vực; Công an các tỉnh giáp Lào và Campuchia tổ chức điều tra cơ bản theo 3 lớp, dựng sơ đồ tuyến, hướng vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng vào biên giới nước ta và vào trong nội địa. Trên cơ sở đó, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh giải quyết các đường dây, tụ điểm, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.