Hoàn thiện chính sách pháp luật về chuyển giao công nghệ

Thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách lớn về chuyển giao công nghệ được ban hành đã tác động tích cực, kết nối và thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để công tác quản lý nhà nước về công nghệ được hoàn thiện hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến công nghệ.

Giới thiệu sản phẩm của Tổng công ty Viglacera - CTCP tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.

Giới thiệu sản phẩm của Tổng công ty Viglacera - CTCP tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.

Những kết quả bước đầu

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung, chuyển giao công nghệ nói riêng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ và đột phá chiến lược là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn từ tháng 7-2018 (thời điểm Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực) đến hết năm 2023, cả nước có 579 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp giấy chứng nhận đăng ký (bao gồm cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ), với giá trị các hợp đồng khoảng trên 114.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 493 hợp đồng chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (chiếm 85% số lượng hợp đồng), với giá trị khoảng trên 106.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 93% giá trị các hợp đồng). Có 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản, Thụy Sĩ).

Các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, ô tô, xe máy (bao gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng), dược phẩm, thiết bị y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng. Bên chuyển giao công nghệ chủ yếu là các doanh nghiệp ở các nước có nền công nghiệp phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, một số nước châu Âu (Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo, Ukraine, Pháp, Bỉ, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Bulgaria), Israel, một số nước trong khối ASEAN (Thái Lan, Singapore). Riêng Trung Quốc chủ yếu là các hợp đồng chuyển giao công nghệ có liên quan đến ô tô, xe máy điện (sản xuất ắc quy, động cơ điện cho xe ô tô điện, xe máy điện).

Trong giai đoạn 2018-2023, các sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ đã lựa chọn và giới thiệu hơn 1.600 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên; hỗ trợ kết nối hơn 50 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết gần 2.000 tỷ đồng.

Nhiều kết quả hình thành từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp do các viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện đã được thương mại hóa và chuyển giao cho các doanh nghiệp thông qua các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ với sự tham gia tích cực, chủ động từ phía các doanh nghiệp...

Khuyến khích chuyển giao những công nghệ mới nổi

Đánh giá sau 6 năm thực hiện Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh cho biết đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, triển khai đã phát sinh một số bất cập.

Cụ thể, đối với 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, đến nay, bối cảnh chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, tốc độ phát triển và đổi mới công nghệ diễn ra và thay đổi mạnh mẽ trên thế giới làm xuất hiện những loại công nghệ hoàn toàn mới. Ngược lại, một số công nghệ trở nên lạc hậu, cần xem xét đưa ra khỏi danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao hoặc cần xem xét bổ sung vào danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao.

“Công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, blockchain, dữ liệu lớn, công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn... cần được xem xét, bổ sung vào danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ mới này cần được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, một số công nghệ mặc dù có thể ứng dụng, sản xuất ra các thiết bị, sản phẩm thân thiện môi trường nhưng lại có hiệu suất thấp, như công nghệ sản xuất pin năng lượng mặt trời (hiệu suất dưới 20%), sẽ hạn chế chuyển giao, hay các công nghệ được cho là cũ, lạc hậu như 1G, 2G và các công nghệ bất hợp pháp tạo ra mã độc, vi rút máy tính phục vụ cho hoạt động lừa đảo... sẽ cấm chuyển giao”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 76/2018/NĐ-CP hướng đến việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ.

Để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến quản lý công nghệ (bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ; hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hoạt động xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định pháp luật về đầu tư), Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ; hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau như hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-chuyen-giao-cong-nghe-682325.html