Dấu ấn một chuyến đi

Trong cuộc đời gần 30 năm làm báo của tôi trên quê hương Bình Phước đã có khá nhiều chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn trong tỉnh. Nhưng có một chuyến công tác sang Campuchia để viết về các đơn vị và những con người đầu tiên thực hiện dự án trồng cao su trên đất bạn là chuyến đi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tôi và những người bạn. Làm phóng viên được đi, tìm hiểu và viết là niềm vinh dự, nhưng viết để tuyên truyền về một lĩnh vực rất mới là đầu tư trồng cao su ở nước ngoài thì càng vinh dự, tự hào đối với người làm báo địa phương.

Lịch trình chuyến đi

Trung tuần tháng 12-2009, nhóm phóng viên gồm: Tôi là phóng viên Báo Bình Phước; anh Sỹ Ngọ là phóng viên Tạp chí Cao su Việt Nam; anh Duy Thơm, phóng viên ảnh cũng là cộng tác viên “ruột” của Báo Bình Phước và nhà thơ Lê Huỳnh được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) mời sang Campuchia để tìm hiểu, viết bài về những con người và các đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện dự án cao su trên đất Campuchia.

Nhóm phóng viên làm việc với lãnh đạo Văn phòng đại diện VRG tại Phnom Penh (tác giả thứ 2 hàng bên trái) - Ảnh: Duy Thơm

Đón chúng tôi ngay tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là anh Phan Hữu Nam, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie. Anh rất vui khi được giao nhiệm vụ hỗ trợ các nhà báo trong chuyến công tác này. Vừa gặp mặt, anh Nam cho biết, nhóm phóng viên chúng tôi được ưu tiên một chiếc xe ôtô 7 chỗ để tác nghiệp, lái xe là người Campuchia. Sau những ngày đến các nông trường, đội sản xuất, thăm các làng mới của người dân làm cao su, chúng tôi sẽ về Phnôm Pênh để làm việc với Trưởng Văn phòng đại diện của VRG; sau đó đi tham quan Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng và ra ngoại ô thăm Cánh đồng chết (Killing Field). Đó là lịch trình chuyến đi công tác của nhóm phóng viên chúng tôi trên đất Campuchia.

Vài nét về dự án

Dự án phát triển cây cao su trên đất Campuchia là một trong những dự án lớn theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ Campuchia và Việt Nam. Cuối năm 2006, VRG phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước tìm hiểu về việc đầu tư tại Campuchia. Kết quả là đã hình thành được biên bản làm việc giữa chính quyền tỉnh Bình Phước, VRG và chính quyền 3 tỉnh Kratie, Kampong Thom, Mondulkiri về xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Sau đó, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia ký hợp đồng giao đất tô nhượng cho các công ty cao su Phú Riềng - Kratie, Đồng Nai - Kratie và Đồng Phú - Kratie. Thời gian các công ty cao su bắt đầu triển khai dự án từ tháng 8-2007. Trong đó, Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie là đơn vị đầu tiên của VRG triển khai chương trình dự án với vị trí đất được giao giáp biên giới tỉnh Bình Phước thuộc địa bàn tỉnh Kratie. Ngay sau khi nhận đất, công ty đã tiến hành khai hoang và trồng cao su theo yêu cầu của phía bạn. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển quỹ đất trồng cao su ở tỉnh Kratie và các tỉnh khác tại Vương quốc Campuchia. Tuy vậy, khi tìm hiểu chúng tôi được biết, việc thực hiện dự án trong những năm đầu của các đơn vị ngành cao su trên đất bạn gặp vô vàn khó khăn, gian nan và phức tạp.

Những khó khăn…

Lúc bấy giờ dẫn chúng tôi đi thăm hầu khắp các vùng đất mà công ty đang quản lý, khai hoang, trồng mới, Giám đốc Phan Hữu Nam cho biết, đến cuối năm 2008, Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie khai hoang được 1.500 ha, trồng mới 500 ha. Nhưng khó khăn, gian khổ mà đơn vị phải vượt qua rất nhiều. Khó khăn lớn nhất để đầu tư cao su vào Campuchia chính là vấn đề đất đai, vì phải đụng chạm đến người dân và thủ tục pháp lý. Về con người, các đơn vị trồng cao su chỉ được đưa sang Campuchia cán bộ quản lý, như giám đốc, phó giám đốc công ty, nông trường, đội trưởng, kế toán trưởng. Khi sang, những người này làm thủ tục nhập cảnh, hết thời hạn phải về nước hoặc gia hạn mới được tiếp tục ở lại. Còn lực lượng công nhân trực tiếp lao động thì phải sử dụng người dân tại chỗ. Trong khoảng thời gian này, nhiều nhóm cán bộ cao su của các công ty thuộc VRG đã lên đường sang nước bạn. Họ bỏ lại cuộc sống tiện nghi ở quê nhà, bắt đầu mọi thứ giữa vùng sâu heo hút với nhiều con số không: Không đường, không điện, không nước sạch, không nhà ở… Và đa số cán bộ không hiểu tiếng Campuchia. Tuy vậy, những người sang Campuchia thường là cán bộ giàu kinh nghiệm được chọn từ công ty mẹ nên làm việc rất hiệu quả. Họ biết cách từng bước vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Trò chuyện với những người trong thời kỳ đầu đưa cây cao su sang đất Campuchia, chúng tôi nhận ra điểm chung của họ, đó là sự hy sinh, tinh thần và ý chí quyết tâm rất cao để vượt qua trăm bề khó khăn, gian khổ.

Đối với việc tìm và tập hợp được công nhân là người dân tại chỗ cũng không dễ dàng. Thời điểm đó các vùng có dự án trồng cao su rất ít dân, nhiều khi đi mấy chục cây số mới gặp được một làng. Cán bộ công ty, nông trường phải đi từ phum này qua sóc khác tìm kiếm và vận động người dân. Phải mất vài năm thì việc tìm và thu hút lao động mới có tiến triển, nhờ công ty có chế độ tốt, trả tiền lương đúng kỳ hạn, chăm lo đời sống người lao động, nên tiếng lành đồn xa. Không ít người dân nghèo Campuchia từ các vùng lân cận nghe tin đã tự nguyện tìm đến, xin làm công nhân cao su.

Hiệu quả dự án

Tỉnh trưởng tỉnh Kratie những năm đó là ngài Khămphocun, đánh giá cao công tác trồng mới của các công ty trồng cao su trên đất Kratie. Đối với Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie mặc dù mới thành lập nhưng đến cuối năm 2008 công ty đã tạo việc làm cho 250 lao động là người Campuchia và ổn định cuộc sống cho gia đình họ. Công ty đã xây dựng 150 căn nhà cho công nhân là người Campuchia, trị giá mỗi căn 25 triệu đồng; ủng hộ địa phương 27.000 USD xây dựng trường học, xây chùa. Tiền lương mỗi ngày làm việc của một công nhân (năm 2009) là 12.000 riel, tương đương 50.000 đồng.

Công nhân là người Campuchia chăm sóc vườn ươm cao su

Công nhân là người Campuchia chăm sóc vườn ươm cao su

Ngày chúng tôi đến, Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie đã hình thành 2 nông trường và 1 đội vườn ươm. Mỗi nông trường đều đầu tư xây dựng 1 trường tiểu học, 1 trạm y tế. Mỗi trường tiểu học trong các nông trường cao su thường có hàng trăm học sinh theo học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, không chỉ là con em công nhân mà tất cả trẻ em trong vùng lân cận cũng đều được theo học. Giáo viên do ngành giáo dục Campuchia phân bổ và được hưởng thêm phụ cấp từ các công ty cao su.

Những căn nhà trong làng mới của công nhân cao su

Những căn nhà trong làng mới của công nhân cao su

Tham quan các vườn cao su thuộc VRG trên nước bạn do chính tay những cán bộ ngành cao su Việt Nam làm nên; nhìn những căn nhà ở làng mới được làm bằng gỗ đều đặn nằm nối nhau dọc theo các con đường chính giữa màu xanh cao su mới thấy được sự nỗ lực to lớn của những con người đi mở đất. Những ngôi làng công nhân này đông đúc hơn nhiều so với những phum, sóc phát triển tự nhiên của người dân địa phương ở các khu vực lân cận. Cuộc sống của cư dân những vùng có dự án cao su từng bước đổi thay nhờ chính sách “tất cả vì người lao động” của các đơn vị trồng cao su trên đất bạn Campuchia.

Nhóm phóng viên và đoàn cán bộ đầu tiên của Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi tác nghiệp tại Campuchia - Ảnh: Duy Thơm

Thu hoạch lớn nhất trong chuyến đi này của nhóm phóng viên chúng tôi đó là sự khẳng định các công ty cao su đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia. Cán bộ của các đơn vị cao su được điều động sang Campuchia chính là những người mở đường, “khai thiên lập địa” cho dự án trồng cao su rất hiệu quả của VRG. Với những phóng viên như chúng tôi, ngoài kỹ năng làm báo, khi có những chuyến đi thực tế như vậy đã tích lũy thêm được nhiều điều. Với tôi, luôn cảm thấy bản thân may mắn được làm công việc đặc biệt là tuyên truyền cho sự phát triển ngành cao su ra nước ngoài, đồng thời được trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống, dù rằng chuyến đi đó của chúng tôi đã diễn ra cách đây 15 năm.

Sau 16 năm (2007 đến cuối 2023), VRG có 16 công ty đầu tư cao su trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia, với diện tích 87.584,84 ha đang cho “vàng trắng” trên nước bạn. Tổng sản lượng cao su khai thác năm 2023 của khu vực Campuchia đạt 139.823 tấn, vượt 6% kế hoạch. Các công ty luôn quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội cho người lao động. Đến nay, tập đoàn đã đầu tư hơn 76,5 triệu USD cho công tác an sinh xã hội, công trình công cộng, công trình tôn giáo. VRG trở thành một trong 2 tập đoàn Việt Nam có vốn đầu tư, sinh lợi lớn nhất tại Campuchia mà giới đầu tư vào đất nước Chùa tháp vẫn hay ví von “Trên trời có mạng Metfone (Tập đoàn Viettel), dưới đất có cao su VRG”.

Nguồn: Báo cáo 2023 của VRG

Tiến Bình

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/164352/dau-an-mot-chuyen-di