Bảo đảm thời gian để cán bộ công đoàn không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ

Sáng 24.10, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Khẳng định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam

Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ, sau chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương với 37 điều.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, ý kiến các cơ quan, một số quy định của dự thảo luật đã được chỉnh sửa.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Cụ thể: giữ lại cụm từ “Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và cụm từ “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội để thực hiện những nhiệm vụ” như quy định của Luật hiện hành để khẳng định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; Bổ sung giải thích về “đoàn viên công đoàn”.

Bổ sung các quy định để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động; Bổ sung các nguyên tắc hợp tác quốc tế, nội dung hợp tác quốc tế và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn, quản lý hoạt động quốc tế của công đoàn.

Quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm về phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; Bổ sung, làm rõ hơn các quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn…

Về phản biện xã hội của Công đoàn (Điều 17), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý như thể hiện tại Điều 17 để bảo đảm thống nhất với Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động, công đoàn (Điều 27), tiếp thu ý kiến ĐBQH, thời giờ làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách được giữ như quy định hiện hành, thể hiện tại khoản 2 Điều 27 của dự thảo luật…

Thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách - không nên luật hóa cụ thể

Đa số ĐBQH tán thành với việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); cho rằng, về cơ bản dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành…

Về bảo đảm điều kiện hoạt động, công đoàn (Điều 27), tại khoản 2 dự án luật quy định: “ Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm”.

 Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An), qua tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn cơ sở về dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở như luật hiện hành là hết sức bất cập, còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, có số lượng người lao động đông.

Thực tế, việc các cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng 12 giờ hay 24 giờ làm việc trong 1 tháng để làm công tác công đoàn như hiện nay là hết sức hạn chế. Trong khi, việc thỏa thuận của người sử dụng lao động để có thêm thời gian hoạt động của công đoàn cũng hết sức khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có đông người lao động cần có nhiều thời gian để hoạt động công đoàn.

Để giải quyết bất cập này, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, không nên quy định cụ thể số lượng, thời gian như dự thảo luật mà chỉ cần quy định nguyên tắc chung: cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn. Đồng thời, giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở theo quy mô của từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp theo hướng như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy là hợp lý.

 Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm này, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, cần rà soát quy định cụ thể về quy mô tổ chức, số lượng cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với từng loại tổ chức công đoàn, tránh gây gánh nặng cho đối tượng sử dụng lao động. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nội dung này để bảo đảm việc thực hiện giảm giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách được thống nhất.

T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-thoi-gian-de-can-bo-cong-doan-khong-chuyen-trach-thuc-hien-nhiem-vu-post394193.html