Hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô.

Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phát biểu tham luận tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, công tác Tư pháp của Thành phố đã được triển khai thống nhất, đồng bộ trên các lĩnh vực công tác, cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong đó, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố Hà Nội đã được đổi mới. Ngay từ đầu năm, UBND Thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị thống nhất dự kiến danh mục văn bản cần ban hành trong năm, phân công cụ thể các sở, ngành chủ trì xây dựng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội.

Tính đến hết tháng 11/2023, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 12 Nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND Thành phố đã ban hành 25 Quyết định quy phạm pháp luật. Các văn bản Thành phố ban hành đã được Sở Tư pháp thẩm định trước khi các Sở, ngành trình theo quy định.

“Có thể nói, Tư pháp Thủ đô đã vào cuộc sâu công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố, tham gia giải quyết nhiều vấn đề nóng, điểm nghẽn, vấn đề dân sinh bức xúc như vấn đề đất đai, xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, an sinh xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Trong công tác phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học... hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã họp phiên toàn thể về thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), khẳng định dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 6. Ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã báo cáo Dự thảo Luật Thủ đô trước Quốc hội, 19 tổ đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội triển khai kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ công tác Tư pháp trên địa bàn Thủ đô. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động số 18- CTr/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch số 189/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng kiến nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị thuộc Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bảo đảm chất lượng và tiến độ, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Hướng dẫn quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương bảo đảm khoa học, hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Chúng tôi đề xuất Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có một chương dữ liệu thông tin về lý lịch tư pháp, như vậy sẽ đơn giản hóa được công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời kết nối được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp thực hiện thống nhất, đồng bộ triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", đặc biệt là các thủ tục liên thông trong lĩnh vực tư pháp; Cơ sở dữ liệu về hộ tịch, Cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, Cơ sở dữ liệu về công chứng… góp phần vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số…

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoan-thien-du-thao-luat-thu-do-sua-doi-bao-dam-chat-luong-va-tien-do-164338.html