Hoàn thiện pháp luật thúc đẩy trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp
Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế một số sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc. Bởi vậy, dư luận đang quan tâm đến Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Tăng cường tái chế để bảo vệ môi trường
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm, bao bì thông qua 2 trách nhiệm là thu gom, xử lý và tái chế sản phẩm, bao bì. Nếu như trách nhiệm thu gom, xử lý đã được thực hiện từ năm 2022 thì trách nhiệm tái chế một số sản phẩm, bao bì được thực hiện từ đầu năm 2024. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Quy định này đã được quy định chi tiết thi hành tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm như: pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông và một số bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.
Về lộ trình, từ 1/1/2024 nhà sản xuất, nhập khẩu pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và một số bao bì bắt đầu thực hiện trách nhiệm tái chế. Tiếp đến các sản phẩm điện - điện tử sẽ thực hiện từ 1/1/2025 và từ 1/1/2027 là các sản phẩm phương tiện giao thông. Về cách thức, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế của mình: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được quy định trong Quyết định về định mức chi phí tái chế (Fs) hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì hiện đang được Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ.
Cần xây dựng cơ chế giám sát thực hiện
Hiện nay, đã xuất hiện nhiều mô hình hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế EPR. Trong đó, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam là mô hình đầu tiên được thành lập để doanh nghiệp có thể ủy quyền thực thi trách nhiệm tái chế, với mục tiêu chính là giảm bớt chi phí.
Bên cạnh đó, trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, Bộ TN&MT sẽ thực hiện công bố danh sách các tổ chức, đơn vị tái chế và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn. Trong tháng 4/2023, Bộ TN&MT thông báo rộng rãi để các tổ chức, đơn vị tái chế đang hoạt động và các tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cho nhà sản xuất, nhập khẩu có nhu cầu được công bố theo quy định nêu trên thì gửi đề nghị về Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT để xem xét, công bố.
Như vậy, phí tái chế là một trong những giải pháp cần thiết để góp phần thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế một cách chủ động, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng định mức chi phí tái chế bao bì đang quá cao, có thể làm tăng áp lực chi phí sản xuất và giá bán hàng hóa. Định mức phí tái chế hợp lý, hợp lệ và cơ chế thu phí, sử dụng nguồn tài chính minh bạch là mong muốn của dư luận đối với quá trình xây dựng chính sách, để chính sách có thể được thực thi hiệu quả trên thực tế, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và xã hội.
Nếu các doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện cơ chế EPR thì sẽ tạo ra cơ hội cho một ngành công nghiệp tái chế phát triển. Hoàn thiện pháp luật tạo cơ chế, thúc đẩy trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp, giảm thiểu rác thải ra môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi ô nhiễm rác thải, đặc biệt rác thải nhựa, đang trở thành vấn nạn nhức nhối.
Điều này không thể chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải chuẩn bị và có cơ chế bảo đảm giám sát công bằng cho các bên tham gia thực hiện trách nhiệm tái chế, để hoạt động này diễn ra hiệu quả, thực chất.