Hoằng Anh - nét xưa ven phố thị
Giữa làn sóng đô thị hóa sầm uất, hiện đại, những con ngõ nhỏ uốn lượn, những mái đình tôn nghiêm hay góc chợ Huyện sầm uất ở xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) gợi cho những ai từng đặt chân đến nơi đây chút hoài vọng về một vùng đất cổ xa xưa.
Đình - đền Quan Nội, xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa).
Hoằng Anh được thành lập từ năm 1953 (tách ra từ xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa). Năm 2003, một bộ phận của xã là làng Phượng Đình được cắt chuyển cùng một số làng, xã quanh vùng cầu Tào, lập thành thị trấn Tào Xuyên. Từ đó đến nay, Hoằng Anh chỉ còn 2 làng Quan Nội và Nhữ Xá với diện tích tự nhiên 349,02 ha, dân số hơn 4.000 người. Năm 2012, xã Hoằng Anh được chuyển từ huyện Hoằng Hóa về TP Thanh Hóa. Nơi đây chỉ cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 6km, đất đai chia làm 2 vùng nội đê và ngoại đê, ngăn bởi tuyến đê hữu ngạn sông Tuần với chiều dài khoảng 5km.
Theo chân chị Nguyễn Thị Oanh, công chức văn hóa – xã hội, UBND xã Hoằng Anh, chúng tôi đến làng Quan Nội. Từ trên đê, có 3 con dốc rẽ vào các khu dân cư của làng Quan Nội. Thư thái đi qua con dốc có chiếc cổng làng, những con ngõ nhỏ uốn lượn quanh co hiện ra trước mắt, nhà cửa san sát, nhỏ hẹp nhưng được xây dựng khá ngăn nắp, gọn gàng. Nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại, thể hiện sự khá giả về kinh tế của các hộ dân nơi đây. Chị Oanh, vốn được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hoằng Anh nên hiểu rất rõ về vùng đất này. Chị chia sẻ: Ở đây, người dân sống quần cư cùng một nơi, quanh làng đều có các di tích tọa lạc. Phía Tây đầu làng là chùa Long Khánh, phía Đông có đền Đức Thánh cả, phía Nam là Bệ thờ Thần Nông, phía Bắc là đền Quan Nội. Theo sử sách ghi lại, đất Quan Nội vào giai đoạn thế kỷ XVII còn là trung tâm của huyện lỵ Hoằng Hóa, nổi tiếng với chợ Huyện nằm ven sông Tuần, hiện nay vẫn còn lưu giữ dù trải qua nhiều biến động của thiên nhiên và lịch sử.
Người dân Hoằng Anh từ xưa nổi tiếng nhanh nhẹn, tháo vát với truyền thống tự lực, tự cường, biết buôn bán từ rất sớm. Sử sách ghi lại rằng, từ thế kỷ XIV, chợ Huyện được xem là một thương cảng của Hoằng Hóa với sự ra đời của nghề buôn thuyền làng Quan Nội. Thuyền đi khắp đó đây, mua hàng về bán sỉ, bán lẻ tại chợ Huyện và các chợ trong vùng, rồi lại cất hàng từ chợ Huyện đi bán khắp nơi. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế các xã trong vùng còn khó khăn, Hoằng Anh đã nổi tiếng với nghề xay xát, nghiền thức ăn gia súc và dịch vụ hàng tiêu dùng. Các cửa hàng dọc trục đường trung tâm xã, gần khu vực chợ Huyện đã tấp nập khi nhân dân các xã đều đổ về đây mua bán. Dịch vụ này vẫn duy trì và phát triển đến ngày nay...
Điểm nhấn của làng Quan Nội có lẽ là đình – đền Quan Nội nằm ở vị trí trung tâm của làng, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004. Đình – đền Quan Nội là tên gọi chính, gọi chung cho các nhân vật được thờ tại di tích. Ngoài ra, di tích còn có hai tên gọi khác, đó là: Đình – đền thờ thần Bản Thổ, đình – đền Nhà Quan. Đình – đền Quan Nội nằm trong khuôn viên cận kề nhau, phía trước là đình, phía sau là đền. Đình – đền Quan Nội mới được trùng tu, tôn tạo lại với khuôn viên rộng rãi, khang trang và sạch đẹp.
Ông Trần Bá Táu, thành viên ban quản lý đình – đền Quan Nội, cũng là người thường xuyên trông nom, chăm sóc khu đình - đền, cho biết: Theo lịch sử làng và dân gian truyền lại thì đình – đền Quan Nội là nơi thờ chính Đương Cảnh Thành hoàng Điệu Tính Bản Thổ đại vương. Dân gian truyền tai nhau kể lại rằng, ngày xưa có hai vị quan nhân là anh em ruột, khi mãn quan đã đến vùng đất Quan Nội mở mang điền thổ, lập nên ấp trang. Hai anh em dựng hai ngôi nhà tranh, một ngôi giữa làng gọi là nhà Quan Nội, một ngôi ở ngoại đê gọi là nhà Quan Ngoại. Người anh ở ngôi nhà phía trong đê, người em ở ngôi nhà ngoại đê. Sau này, hai ông mất, để tưởng nhớ công đức, nhân dân đã dựng đền trên lốt nhà tranh lúc sinh thời các ông đã cư trú. Vài năm sau dựng tiếp đình làng, cận kề đền Quan Nội để phục vụ cho việc hội họp, tế lễ. Khuôn viên đình – đền này vẫn được lưu giữ đến ngày nay, được nhân dân trong làng và con em làm ăn xa quê góp công, góp của trùng tu, tôn tạo. Ngôi đền ở ngoại đê thì không còn, vị thần là người em cũng được nhân dân rước về thờ cúng tại đền Quan Nội.
Trên đường vào đình - đền Quan Nội, còn có một giếng làng nằm cạnh khu nhà văn hóa thôn Quan Nội 2. Người dân ở đây không còn sử dụng nước giếng làng, nhưng không vì thế mà giếng làng bị lãng quên. Năm 2015, từ nguồn kinh phí ủng hộ của một hộ gia đình ở làng Quan Nội, nhân dân đã sửa chữa, tôn tạo và lưu giữ như một phần ký ức của người xưa để lại. Bởi đấy không chỉ là suối nguồn trong mát, yêu thương mà còn là “tấm gương soi” chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn của những ai sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất làng Quan Nội nói riêng, Hoằng Anh nói chung.
Hoằng Anh là xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (NTM) từ năm 2014. Đời sống kinh tế của nhân dân tương đối phát triển với ưu thế của một địa phương cận thị. Hiện nay, xã chia làm 4 thôn: Nhữ Xá, Quan Nội 1, Quan Nội 2, Quan Nội 3. Các thiết chế văn hóa tại các thôn được quan tâm, đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Quan trọng hơn, nhiều giá trị truyền thống về đạo đức, thuần phong mỹ tục được khôi phục, phát huy. Hằng năm, vào các dịp lễ tết, kỷ niệm các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, xã Hoằng Anh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi. Nhất là vào tháng giêng, lễ hội kỳ phúc của làng Quan Nội thu hút đông đảo người dân tham gia, khơi dậy được nét đẹp văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phát huy giá trị đáng trân trọng. Toàn xã đã có trên 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Nhiều gia đình có con cháu học hành đỗ đạt, làm ăn khấm khá. 100% các thôn hoàn thành thiết chế văn hóa cơ bản như nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi thiếu nhi. Hoạt động văn hóa cộng đồng của nhân dân khá phong phú, sôi nổi, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực.
Xã Hoằng Anh và xã Hoằng Long đang gấp rút chuẩn bị các bước để sáp nhập thành xã mới, dự kiến lấy tên là xã Long Anh. Sự đổi thay ấy mang theo kỳ vọng sẽ là một “bước ngoặt” để phát triển mạnh mẽ hơn nữa đối với kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Dù thay đổi thế nào, thì với những người dân xã Hoằng Anh vẫn mong muốn những nét xưa lịch sử tiếp tục được giữ gìn, phát huy giá trị, hun đúc cho những thế hệ nơi đây tình yêu, nhiệt huyết vì sự phát triển của vùng đất vốn tự lực, tự cường này.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hoang-anh-net-xua-ven-pho-thi/110856.htm