Hoang mang hậu tranh luận tổng thống Mỹ
Lên tiếng sau cuộc tranh luận tổng thống Mỹ đầu tiên vào đêm 29-9, người điều phối Chris Wallace, phóng viên kỳ cựu của kênh Fox News, nói: Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ cuộc tranh luận lại chệch hướng đến vậy.
Trong khi đó, lo âu có thể là cảm xúc từ bên kia bờ Đại Tây Dương, theo bà Nicole Bacharan, sử gia kiêm nhà phân tích chính trị đang sống ở Pháp. "Khi thức giấc vào buổi sáng, hẳn các nhà lãnh đạo châu Âu nghĩ rằng: Kỷ nguyên lãnh đạo của Mỹ đã qua rồi" - bà Bacharan nói.
Theo báo The New York Times, cuộc tranh luận gây ra tâm lý sốc, buồn bã và chán nản trong cả giới đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ.
Với việc Tổng thống Donald Trump liên tục ngắt lời cả người điều phối Chris Wallace lẫn ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden và ông Biden đáp trả bằng cách gọi tổng thống Mỹ là "gã hề", nhiều chuyên gia phương Tây đang đặt câu hỏi về thực trạng của nền dân chủ Mỹ.
Không chỉ vậy, theo ông Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, cuộc tranh luận làm tăng ấn tượng "Mỹ đang rút khỏi chính trường quốc tế và tự thu mình lại".
Trong khi nhiều cư dân mạng Trung Quốc đánh giá cuộc tranh luận thiếu nghiêm túc, thậm chí so sánh với cảnh cãi cọ ngoài chợ thì tại Nhật, nơi người dân là những khán giả sành sỏi của chính trị Mỹ, cũng phải thấy sốc - theo The New York Times. Nhận xét về việc ông Biden thẳng thừng bảo Tổng thống Donald Trump "im đi", cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki nói: "Một người cư xử phép tắc như ông Biden mà nói thế thì đúng là bất ngờ".
Cuộc tranh luận cũng không trấn an được các công ty cả lớn lẫn nhỏ vốn đang lao đao vì đại dịch Covid-19 ở Mỹ. Ông Aaron Levie, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Box, cho biết: "Chúng tôi muốn biết tầm nhìn địa chính trị, thương mại, chính sách nhập cư… Chính quyền hiện tại không thể hiện rõ triết lý hoạt động nào ngoài khía cạnh dân tộc chủ nghĩa".
Trong khi đó, ông Robert Johnson, người sáng lập kênh truyền hình Black Entertainment, nói với báo The New York Times: "Tôi không biết ai thắng nhưng tôi biết chắc người thua: Đó là người dân Mỹ. Chúng ta phí phạm 90 phút xem tranh luận mà không hề biết đất nước này sẽ đi về đâu, phát triển thế nào sau bầu cử".