Hoàng Su Phì đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp
Những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Hoàng Su Phì ngày càng được nâng lên. Nhiều thiết bị máy móc đã được đưa vào sử dụng góp phần giảm sức lao động, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, là huyện miền núi với địa hình chia cắt mạnh; một bộ phận người dân vẫn canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nậm Dịch là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường ứng dụng KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 469 máy tuốt lúa, 197 máy cày, 127 máy phát cỏ, 90 máy xay xát, 3 xưởng chế biến chè; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 64%. Đồng chí Hoàng Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Dịch, cho biết: Với sự trợ giúp của các loại máy móc, việc sản xuất nông nghiệp những năm gần đây trên địa bàn xã luôn đúng khung thời vụ. Việc làm đất, thu hoạch hoa màu nhàn hơn rất nhiều so với trước đây. Nhờ đó, tiết kiệm được thời gian và công sức cho nông dân. Tuy nhiên, đối với các cây trồng trên nương, về cơ bản vẫn chưa thể áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất; do địa hình dốc, khu gieo trồng không tập trung nên máy làm đất không áp dụng được. Hiện nay, cơ giới hóa vẫn tập trung chủ yếu trong sản xuất lúa nước, nơi có những cánh đồng tương đối rộng và bằng phẳng; còn các cây trồng khác, như: rau màu, cây ăn quả,… mức độ áp dụng cơ giới hóa cũng còn rất hạn chế.
Với tổng diện tích gieo trồng trên 1.150 ha, trong đó diện tích cây lúa chỉ chiếm 141 ha, còn lại là các cây trồng khác, như: Ngô, đậu tương, lạc, rau màu,… nên việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở xã Pố Lồ cũng gặp nhiều khó khăn. Với địa hình có độ dốc lớn, diện tích đất canh tác lại nằm rải rác trên các sườn núi nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa các thiết bị máy móc vào hỗ trợ sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Hù Văn Thanh, cho biết: Với đặc điểm địa hình nên các gia đình chủ yếu mua máy cày nhỏ cầm tay đa năng. Điều này rất có lợi trong sản xuất, giúp giảm chi phí nhân công và tiến độ cũng nhanh hơn; việc xuống giống cây trồng cũng đảm bảo kịp thời vụ. Đất được cày bằng máy tơi xốp hơn, giúp việc canh tác thuận lợi và năng suất cây trồng cao hơn. Tuy nhiên, trên những diện tích nương có độ dốc lớn thì không thể sử dụng nên nhiều hộ dân vẫn phải dùng trâu, bò cày kéo hoặc sức lao động thủ công. Theo thống kê, hiện toàn xã có 477 máy cày, 384 máy xay xát, 520 máy tuốt lúa và 1.586 các loại máy móc khác phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ trên địa bàn.
Bên cạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, việc ứng dụng cơ giới hóa trong bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn huyện cũng từng bước được đầu tư mở rộng, như: Công nghệ chế biến, bảo quản chè; sơ chế, bảo quản ngô, đậu tương, mận Máu,… góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng hóa nông sản. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ chế biến, bảo quản chủ yếu tập trung vào chế biến chè; còn các loại cây trồng khác chiếm tỷ lệ không nhiều. Theo tính toán của cán bộ chuyên môn và các hộ nông dân, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất không chỉ giúp giảm sức lao động thủ công mà còn góp phần tăng năng suất cây trồng từ 10 – 15% trên cùng diện tích canh tác; tỷ lệ này còn cao hơn nếu áp dụng đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, vận chuyển, thu hoạch và chế biến, bảo quản.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì, tính đến hết năm 2019, toàn huyện có tổng số 20.648 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, máy làm đất 5.240 máy, máy tuốt lúa có động cơ 8.771 máy; khâu gieo trồng, chăm sóc có 437 máy; chế biến thức ăn thô xanh 6.095 máy; 5 hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai chương trình “cánh đồng mẫu” theo phương pháp “5 cùng” trên 2 cây trồng chính là lúa và ngô tại địa bàn 5 xã, với tổng số 8 cánh đồng trong năm 2019. Qua đó, thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất các cánh đồng mẫu tăng từ 10% trở lên.
Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hoàng Su Phì vẫn còn nhiều khó khăn; do địa hình hiểm trở, các vùng trồng trọt có diện tích nhỏ và thường được canh tác theo hình thức ruộng bậc thang. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp hạn chế; một bộ phận người dân vẫn canh tác manh mún, nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống; việc ứng dụng cơ giới hóa trong bảo quản, chế biến còn hạn chế, dẫn đến tổn thất trong và sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp… Đòi hỏi ngành chuyên môn và cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để nâng cao hơn nữa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; nhằm góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất và thu nhập cho nông dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG