Hoạt động của các công ty nước ngoài tại Nga đối mặt với 'bài toán khó'
Các công ty và nhà đầu tư nước ngoài trên khắp thế giới đang đối mặt với tình huống khó xử khi ngày 4/3, Nga đề nghị các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến trình rời khỏi nước này và cho phép các công ty chuyển giao cổ phần cho các nhà quản lý địa phương cho đến khi họ quay trở lại.
Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov đã đưa ra đề nghị trên một tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine và nhiều nước phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ông Belousov đã đưa ra 3 lựa chọn cho các công ty nước ngoài, theo đó, các công ty có thể duy trì hoạt động đầy đủ tại Nga, hoặc có thể chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác Nga quản lý và có thể trở lại sau, hoặc chấm dứt vĩnh viễn hoạt động tại Nga, đóng cửa sản xuất và sa thải nhân viên.
Theo giới phân tích, đây là lựa chọn khá khó khăn cho các công ty và nhà đầu tư, bởi nếu ở lại, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của các thị trường phương Tây, trong khi việc chuyển nhượng cổ phần cũng có nhiều rủi ro và việc rời khỏi Nga đồng nghĩa với khoản thua lỗ lớn.
Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine đã khiến Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ hệ thống thanh toán toàn cầu đến một loạt sản phẩm công nghệ cao, khiến hoạt động kinh doanh ở Nga ngày càng phức tạp và bấp bênh. Một số công ty đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn năng lượng như BP và Shell đã tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động, trong khi nhiều công ty khác đã tạm dừng việc ký hợp đồng với Nga.
TotalEnergies cho biết sẽ duy trì hoạt động tại Nga nhưng sẽ không đầu tư thêm. IKEA công bố kế hoạch đóng các cửa hàng hôm 3/3, song sẽ trả lương cho 15.000 nhân viên người Nga trong ít nhất 3 tháng.
Nhà sản xuất lốp xe Pirelli của Italy ngày 4/3 cho biết sẽ liên tục theo dõi các diễn biến, đồng thời cho biết không mong muốn phải ngừng hoạt động cả 2 nhà máy tại Nga. Đối thủ của Pirelli là Nokian Tyres của Phần Lan tuần trước đã chuyển một số dây chuyền sản xuất khỏi Nga.
Khó khăn cũng đang chồng chất đối với các công ty và nhà đầu tư tìm cách thoái vốn khỏi Nga, trong đó có công ty bảo hiểm và quản lý tài sản Royal London của Anh. Hiện nhiều công ty vẫn đang tính toán chi phí kinh doanh với Nga - con số sẽ liên tục thay đổi khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.
Ngân hàng ING của Hà Lan cho biết khoảng 770 triệu euro (770 triệu USD) dư nợ đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân của Nga. BASF - tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới, đã ngừng hoạt động kinh doanh mới ở Nga và Belarus, ngoại trừ các lĩnh vực liên quan đến sản xuất lương thực như một phần của hoạt động nhân đạo. Tuyên bố của BASF nêu rõ sẽ chỉ tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Nga và Belarus phù hợp luật pháp, quy định và luật lệ quốc tế. Nhà sản xuất đồng hồ Swatch Group của Thụy Sĩ cho biết sẽ tiếp tục hoạt động ở Nga nhưng sẽ không xuất khẩu do "khó khăn chung”.