Hoạt động đối ngoại sôi động với những dấu ấn nổi bật đầu năm 2024

Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ tư đến Việt Nam ngay trong tháng đầu tiên năm mới cho thấy năm 2024 sẽ là một năm hoạt động đối ngoại sôi động của nước ta tiếp theo sau năm 2023 với rất nhiều dấu ấn sôi động và thành công về đối ngoại.

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và đối tác Việt Nam - Philippines

Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 29 đến 30-1 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6-2022 và là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Philippines trong 7 năm qua.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam

Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos thăm cấp Nhà nước đến nước ta trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Ngày 12-7-1976, với việc hai bên ra Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao, Philippines đã trở thành nước thứ tư trong ASEAN chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Philippines cũng là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN ký kết Thỏa thuận Hợp tác Thương mại, Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam vào tháng 1-1978, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng thúc đẩy giao thương giữa hai nước sau này. Đặc biệt, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược hồi tháng 11-2015 đã đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Philippines sang trang mới, với tầm vóc và nội hàm toàn diện hơn, sâu rộng hơn cả về song phương và đa phương.

Các cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước đã được hiện thực hóa thành những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực từ chính trị đối ngoại, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng tới các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân… cũng như tại các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế. Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước ngày càng gắn bó; tin cậy chính trị gia tăng; trao đổi và tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên. Gần đây nhất, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos nhân dịp Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III tháng 5-2023; Thủ tướng Phạm Minh Chính hai lần gặp Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 (tháng 5-2023) và lần thứ 43 (tháng 9-2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Philippines tháng 11-2022 và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ nhậm thức của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos vào tháng 6-2022…

Hai nước đã thiết lập và triển khai hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận quan trọng, mang tính định hướng cho quan hệ song phương như: Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Philippines cấp Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 3-1994), Tuyên bố chung về nguyên tắc 9 điểm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (tháng 11-1995), Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ XXI và thời kỳ tiếp theo (tháng 11-2002)… Hiện hai bên đang thực hiện hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2019-2024 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược.

Theo Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Montealegre, chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos có ý nghĩa rất quan trọng vì nó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và đối tác giữa hai nước, mà cha của ông là cựu Tổng thống Ferrdinan Marcos đã góp phần thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1976.

Nâng cao vị thế, uy tín của đất nước

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos khép lại tháng 1 với những hoạt động đối ngoại sôi động ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2024. Đặc biệt, điều này tiếp nối năm 2023 có những hoạt động đối ngoại rất sôi động với nhiều dấu ấn nổi bật.

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mekong, Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28)… Chúng ta tiếp tục huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO, v.v…

Đặc biệt, trong năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước. Việc Việt Nam và Trung Quốc nhất nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại; và Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là những dấu ấn đối ngoại nổi bật trong năm 2023.

Năm qua, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Trước những biến động của tình hình quốc tế, ngành ngoại giao cùng quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, xử lý đúng đắn và kịp thời các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Tiếp năm hoạt động đối ngoại sôi động đó, ngay trong tháng 1 năm nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia. Đó là các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và sắp tới là chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Romualdez. Cũng trong tháng 1-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác châu Âu thành công, tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024 tại Davos (Thụy Sĩ); thăm chính thức Hungary và Rumani.

Khi nói về phương hướng trọng tâm, định hướng của ngoại giao Việt Nam trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, ngành ngoại giao tập trung một số trọng tâm, trong đó tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại; phát huy vai trò tiên phong, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các binh chủng đối ngoại và ngoại giao nhằm củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoat-dong-doi-ngoai-soi-dong-voi-nhung-dau-an-noi-bat-dau-nam-2024-post565681.antd