Hoạt động tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 8

Chiều 27-11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV họp phiên bế mạc. Tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước đã tham gia tích cực vào các nội dung, chương trình của kỳ họp. Theo tổng hợp, đoàn có 19 lượt đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường và tổ, chất vấn thành viên Chính phủ, trong đó, tại hội trường 8 lượt, tại tổ 11 lượt.

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh bày tỏ sự lo lắng khi công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, việc tích hợp các chính sách còn chậm, chưa đạt mục tiêu; đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp, tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần ngày càng gia tăng và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam không còn đói nghèo thì cần quan tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo và tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Các đại biểu trong đoàn cũng tham gia thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đồng thời, đoàn cũng cho ý kiến dự thảo nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Xây dựng.

Thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh 2 nội dung liên quan đến những yếu kém trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giải pháp để xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đồng thời, chất vấn bằng văn bản Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường 3 nội dung liên quan giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, chất lượng các nông sản chủ lực như điều, cao su, tiêu; giải pháp để nâng chất lượng đào tạo nghề kỹ thuật cao và các chính sách hỗ trợ các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cũng có 2 ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về trách nhiệm, giải pháp khắc phục những bất cập trong chính sách khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời; phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo hơn nữa để người dân ở vùng này sớm được tiếp cận nguồn điện thắp sáng.

Ngoài tham gia vào các nội dung, chương trình của kỳ họp, dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tranh thủ thời gian làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ tỉnh trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết việc làm, chế độ, chính sách cho người có công, quy hoạch đất, bảo vệ môi trường...

Các nữ đại biểu trong đoàn đã tham dự buổi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và kiến nghị, đề xuất Thủ tướng quan tâm vấn đề việc làm cho lao động nữ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngăn chặn có hiệu quả bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em gái và tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước.

Trần Thể

Xem thêm: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hoat-dong-tich-cuc-cua-doan-dbqh-tinh-tai-ky-hop-thu-8-39229