Hoạt động tình báo ở La Mã cổ đại

Dưới thời đế chế La Mã, các quân đoàn lê dương được coi là bất khả chiến bại trên toàn thế giới văn minh lúc bấy giờ. việc huấn luyện binh sĩ, chế tạo vũ khí cũng như chiến thuật và chiến lược không để lại cơ hội nào cho kẻ thù của La Mã. Tuy nhiên, quân đội La Mã và các lực lượng an ninh khác không thể thành công như vậy, nếu thiếu hoạt động của các cơ quan tình báo.

Tình báo quân sự có nguồn gốc từ đế chế Carthage

Tình báo quân sự của La Mã cổ đại xuất hiện nhờ các cuộc chiến tranh Punic giữa La Mã cổ đại và đế chế Carthage. Chính người La Mã đã “đạo” ý tưởng về tình báo quân sự của quân đội Hannibal, vị tướng nổi tiếng nhất của Carthage. Người Carthage thường cài cắm các điệp viên của mình vào các quân đoàn lê dương La Mã. Sau khi “thu thập thông tin”, điệp viên chỉ việc chạy vào doanh trại của Hannibal để báo cáo.

Publius Cornelius Scipio.

Publius Cornelius Scipio.

Một số nhà sử học xác nhận rằng các điệp viên người Carthage có cả một hệ thống cử chỉ tay. Với sự trợ giúp của chúng, họ nhận ra nhau và chia sẻ những thông tin quan trọng với nhau. Về sau, hình như người La Mã đã phát hiện ra điều này. Vì vậy, tất cả những người bị buộc tội làm gián điệp cho Carthage đều bị chặt ngón tay.

Trước khi quyền chỉ huy các quân đoàn lê dương được trao cho vị tướng kiêm chính khách La Mã huyền thoại Publius Cornelius Scipio, quân đội La Mã không có cơ quan tình báo riêng. Chính Publius Cornelius Scipio là người biết rất rõ lợi ích của các điệp viên trong hàng ngũ kẻ thù, vì vậy, sau khi phân tích và nghiên cứu các hoạt động của chúng, ông bắt đầu xây dựng tổ chức tình báo quân sự của mình.

Hannibal.

Hannibal.

Cha đẻ của tình báo quân sự La Mã cổ đại

Trên cơ sở các phương pháp hoạt động gián điệp của người Carthage, Publius Cornelius Scipio đã cải tiến đáng kể hoạt động gián điệp của quân đội La Mã. Giờ đây, trong quá trình “hành nghề”, các điệp viên buộc phải hy sinh rất nhiều, kể cả địa vị của mình trong xã hội La Mã. Các tài liệu La Mã cổ đại kể lại câu chuyện Publius Cornelius Scipio quyết định cử các sĩ quan chỉ huy xuất sắc nhất của mình dưới vỏ bọc những kẻ nô lệ cùng với một phái đoàn ngoại giao đến gặp Vua Syphax của Vương quốc Numidia.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ đã xảy ra một “tình huống bất thường”. Bộ chỉ huy vô cùng lo sợ vì một trong những kẻ “nô lệ”, viên sĩ quan Lucius Statorius có thể bị chính Vua Syphax phát hiện, bởi trước đó ông đã diện kiến nhà vua cùng với các sứ giả La Mã. Cuối cùng, họ đã tìm ra một lối thoát khá độc đáo - Lucius Statorius bị đánh một trận đòn công khai như thể một "người hầu" phạm tội. Bằng cách đó, không ai có thể nghi ngờ địa vị xã hội thấp kém của ông. Để giữ bí mật, Lucius Statorius buộc phải chấp nhận sự sỉ nhục.

Trong vai những kẻ nô lệ ngoan ngoãn, các sĩ quan La Mã theo dõi số lượng lính canh, vị trí các bốt gác, xác định các khu vực công sự và phát hiện những điểm yếu nhất trong doanh trại của người Numidia. Sau nhiều chuyến thăm của các nhà ngoại giao với những “nô lệ” như vậy, Publius Cornelius Scipio biết rõ các vị trí của kẻ thù như của chính mình.

Hoàng đế Caracalla.

Hoàng đế Caracalla.

Các nhà ngoại giao kiêm điệp viên

Lãnh địa của La Mã càng mở rộng thì vấn đề kiểm soát các quốc gia thù địch lẫn các nước đồng minh của đế chế càng trở nên gay gắt. Sứ mệnh này được giao cho các đại sứ La Mã. Với tư cách là đại diện trực tiếp của chính quyền ở nước sở tại, họ không chỉ có nghĩa vụ theo dõi tâm tư nguyện vọng của nhân dân và báo cáo cho Viện Nguyên lão hoặc Hoàng đế mà còn phải tự mình giải quyết một số tình huống.

Các đại sứ được giao nhiệm vụ thu thập những thông tin mật khác nhau, cũng như tài liệu về các chính khách bản xứ mà La Mã quan tâm. Có một điều thú vị là nhiều quan chức La Mã ở các thuộc địa hoặc các quốc gia đồng minh biết rất rõ, ngoài công tác ngoại giao, các đại sứ của họ làm gì. Ví dụ, trong các ghi chép của mình, sử gia kiêm nhà ngoại giao Hy Lạp Polybius công khai gọi các tùy viên ngoại giao La Mã là "gián điệp".

Ngoài các đại sứ và nhà ngoại giao, các thương gia và nhà buôn La Mã cũng bị nghi hoạt động gián điệp ở một số quốc gia. Chẳng hạn, Vua Mithridates IV của Đế chế Parthia, sau khi phát hiện âm mưu chống lại mình, đã xử tử tất cả những người liên quan. Với sự trợ giúp của các điệp viên, hơn một nghìn rưỡi công dân La Mã đã bị tiêu diệt trên khắp vùng phía tây của đế chế Parthia do Mithridates cai trị. Hầu hết họ đều là thương gia.

Hoàng đế Diocletianus.

Hoàng đế Diocletianus.

Không có trụ sở cơ quan tình báo

Mặc dù hoạt động gián điệp ở La Mã ngày càng tiến bộ, nhưng trong một thời gian dài, đế chế này không có cơ quan tình báo quốc gia chính thức. Tất cả chỉ vì chính các thượng nghị sĩ La Mã lo sợ rằng một tổ chức như vậy sẽ được sử dụng để do thám họ. Và những lo ngại này không phải là không có cơ sở.

Viện Nguyên lão La Mã bao gồm các nhà quý tộc giàu có và nổi tiếng. Đa phần trong họ hoàn toàn không ngại biến tham vọng chính trị của mình thành hiện thực, hoặc gia tăng khối tài sản của mình. Các thượng nghị sĩ đối xử với nhau rất thận trọng, vì biết rằng họ rất có thể trở thành “con bài thương lượng” trong trò chơi chính trị của ai đó.

Thậm chí các thượng nghị sĩ thiết kế các ngôi nhà của mình sao cho có thể che giấu cuộc sống riêng tư một cách tốt nhất trước tai mắt thiên hạ. Trong cuốn “Lịch sử La Mã”, nhà sử học Gaius Velleius Paterculus viết rằng kiến trúc sư của chính khách La Mã Marcus Livius Drusus khuyên ông ta xây ngôi nhà sao cho người ngoài “không thấy và không thể tiếp cận được.

Cicero.

Cicero.

Một lý do khác khiến các cơ quan tình báo quốc gia không tồn tại ở La Mã trong một thời gian dài là hầu hết các quan chức địa phương đều có đội ngũ thám tử và người đưa tin riêng của mình. Ví dụ, qua các tài liệu lịch sử, chúng ta biết rằng triết gia kiêm chính khách Cicero đã phát hiện và trấn áp một âm mưu chống lại mình chủ yếu nhờ các thám tử và vệ sĩ riêng.

Tuy nhiên, thám tử tư nổi tiếng nhất ở La Mã cổ đại chính là Gaius Julius Caesar. Khi trở thành tướng lĩnh, ông đã thiết lập chức danh tùy phái quân sự trong quân đội của mình. Ngoài trách nhiệm trực tiếp chuyển giao thư từ quân sự, họ còn thực hiện các chức năng tình báo. Những người tùy phái này được gọi là speculatores, tiếng Latin có nghĩa là “điệp viên”.

Điệp viên: người đưa tin và đưa thư

Dưới thời Hoàng đế Octavian Augustus, xuất hiện mạng lưới bưu chính và chuyển phát nhanh Cursus Publicus. Tổ chức này không chỉ thực hiện việc cung cấp và truyền tải thông tin mà còn kiểm tra thư từ và sau đó báo cáo lên "trên” tất cả thông tin đã đọc. Tuy nhiên, hầu hết các thượng nghị sĩ thích sử dụng những người đưa thư bí mật đáng tin cậy của mình để chuyển những lá thư và tài liệu quan trọng.

Một trong những thói quen tai hại nhất của giới quý tộc La Mã là đưa thư cho người hầu đọc và sau đó nghe báo cáo. Câu chuyện về Hoàng đế Caracalla (trị vì từ năm 211 đến năm 217) là một ví dụ tiêu biểu. Ngày nọ, ông nhận được một lá thư nặc danh, nhưng thay vì tự mình tìm hiểu nội dung bức thư, Caracalla đã đưa nó cho quận trưởng Marcus Opellius Macrinus đọc. Vì vậy, Hoàng đế không biết rằng người ta đang chuẩn bị ám sát ông. Đầu tháng 4/217, trên đường từ Edessa đến Carrhae, Caracalla bị một nhóm chủ mưu sát hại. Người kế vị của Caracalla không ai khác mà chính là Marcus Opellius Macrinus.

Dần dần, tình báo quân sự đảm nhận chức năng cung cấp và kiểm tra thư từ thay thế mạng lưới bưu chính và chuyển phát nhanh Cursus Publicus. Tuy nhiên, giờ đây quyền lực của các điệp viên không chỉ giới hạn ở các dịch vụ chuyển phát thư từ. Họ còn áp giải những tên tội phạm bị kết án, bắt giữ những công dân đối lập với chính quyền và thậm chí thi hành án tử hình.

Gaius Julius Caesar.

Gaius Julius Caesar.

Các điệp viên mật của La Mã cổ đại

Dưới thời Vua Titus Flavius Domitian (81-96), ở La Mã xuất hiện Cơ quan Tình báo thống nhất, được gọi là Numerus Frumentariorum. Nó ra đời trên cơ sở tổ chức quân nhu, chuyên thu mua ngũ cốc phục vụ nhu cầu của quân đội. Điều này thật dễ hiểu - những người lính quân nhu nắm rất rõ các tuyến đường, cũng như phong tục và ngôn ngữ của cư dân địa phương nơi họ đóng quân. Hầu hết họ đều là đối tác thương mại tốt của người dân địa phương, nghĩa là họ có thể dễ dàng thu thập những thông tin rất thú vị đối với “Trung tâm”.

Khó có thể tìm được những những ứng viên tốt hơn cho vai trò “điệp viên”. Và mặc dù số lượng điệp viên frumentarii không quá 100 người, lực lượng này được giới cầm quyền rất trọng dụng, nhiều người trong họ gây dựng được sự nghiệp lớn trong lĩnh vực chính trị và quân sự.

Các Hoàng đế La Mã thường sử dụng các điệp viên frumentarii như những sát thủ bí mật để thanh toán các thượng nghị sĩ hoặc đối thủ chính trị không mong muốn. Điều đó đã dẫn đến một thực tế là các điệp viên mật thường xuyên sử dụng quyền lực của mình vì những mục đích cá nhân vụ lợi.

Không hiếm khi, dưới vỏ bọc các cuộc điều tra chính trị và các vụ khám xét, các điệp viên frumentarii đã tham gia các vụ cướp bóc nhằm vào các công dân La Mã đáng kính và thậm chí cả các thượng nghị sĩ. Đương nhiên, tình trạng này không thể không khiến giới cầm quyền chóp bu La Mã lo ngại. Kết quả là năm 320, Hoàng đế Diocletianus đã cải tổ Cơ quan Tình báo thống nhất thành Cục Cảnh sát mật và dịch vụ chuyển phát nhanh, được gọi là Agentes in rebus.

Cơ quan tình báo mới này tuyển mộ không chỉ các quân nhân mà còn cả thường dân của đế chế La Mã. Mặc dù nó cũng thực hiện các chức năng tương tự như cơ quan tiền nhiệm - chuyển phát thư từ, hoạt động tình báo, gián điệp và bắt giữ các quan chức và chính khách bị nghi ngờ phản quốc.

Điều thú vị là, Cục Cảnh sát mật và dịch vụ chuyển phát nhanh được thành lập ở La Mã, tồn tại lâu hơn Đế chế La Mã Thần thánh ít nhất vài thế kỷ. Nó tiếp tục hoạt động ở Byzantine hay còn gọi là Đế quốc Đông La Mã.

Kim Thanh Hằng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/hoat-dong-tinh-bao-o-la-ma-co-dai-i746757/