Học tập suốt đời - Giữ cho mạch nguồn luôn chảy

Học tập suốt đời là nhu cầu tất yếu của con người và xã hội, đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhu cầu đó càng thiết yếu hơn bao giờ hết. Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy việc học tập suốt đời chính là chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Bám sát chủ đề trên, thời gian qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã tích cực triển khai phong trào học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều tấm gương từ phong trào đã xuất hiện, minh chứng rõ nét cho kết quả của việc tự học và học tập không ngừng.

Anh Lê Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ bảo trì máy sợi con, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ với tinh thần không ngừng học tập, sáng tạo đã có nhiều sáng kiến được Công ty và hãng sản xuất máy đánh giá cao.

Anh Lê Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ bảo trì máy sợi con, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ với tinh thần không ngừng học tập, sáng tạo đã có nhiều sáng kiến được Công ty và hãng sản xuất máy đánh giá cao.

Tự học để thành công

Học bổng mang tên lời dạy của Bác Hồ “Học không bao giờ cùng” là sáng kiến của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời các nhân tố điển hình trong học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để thực hiện lời dạy của Bác về sự học.

Học bổng “Học không bao giờ cùng” được tổ chức trên cả nước. Đến nay, sau nhiều năm triển khai, học bổng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học, động viên tinh thần học tập suốt đời của các tầng lớp Nhân dân theo tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tỉnh Phú Thọ đã có 15 cá nhân được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ IV, năm 2024, trong đó có 10 học sinh và 5 người lớn...

Những cá nhân được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” đều là những con người bình dị, tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là tích cực học tập với phương châm rõ ràng: “Học trong hoạt động thực tế, học trong sách vở, học trong lao động, học bạn bè, đồng chí, học Nhân dân” để vươn lên làm chủ cuộc sống, làm những việc có ích cho xã hội.

Thuộc thế hệ 9X, thanh niên Đồng Thế Chắt là người dân tộc Mường sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, còn nhiều khó khăn ở xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn. Sau khi học hết THPT, anh Chắt thấy bố mẹ vất vả quanh năm mà cuộc sống vẫn chẳng khấm khá hơn là bao nên quyết định lập nghiệp ngay chính tại quê nhà bằng nghề nuôi ong để phụ giúp gia đình. Thời gian đầu, số lượng đàn ong nuôi được ít, chỉ từ 50 - 150 đàn. Tuy nhiên, từ việc tự học, tự đọc sách và tìm hiểu qua bạn bè, những người có kinh nghiệm, mô hình của anh ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả.

Chú tâm với nghề, nỗ lực học tập, áp dụng KHKT vào mô hình, đến nay không chỉ có kinh tế, có kinh nghiệm mà anh còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi ong mật xã Lương Nha với 7 thành viên. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm và tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, từ kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tế, anh còn hướng dẫn, phổ biến, cầm tay, chỉ việc áp dụng tiến bộ KHKT cho các hộ nhỏ lẻ khác cũng tham gia nuôi ong, làm kinh tế ở địa phương.

Bên những cỗ máy dệt luôn ồn ào suốt ngày đêm, anh Lê Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ bảo trì máy sợi con, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) luôn điềm đạm và tỉ mỉ. Anh cho biết: “Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy sau một thời gian sử dụng, hệ thống trang thiết bị, máy móc của Công ty bị lỗi, hỏng, làm giảm tuổi thọ vật tư và ảnh hưởng đến năng suất lao động. Vì thế, tôi đã dành thời gian nghiên cứu, đọc các tài liệu, hướng dẫn của nhà sản xuất, sau đó trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc với các đồng nghiệp có kinh nghiệm trong tổ để cùng đưa ra những sáng kiến cải tiến lại máy móc, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất”.

Được biết, một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiêu biểu của tổ anh đã được áp dụng thành công như: “Lắp mới bộ tự ngắt van hơi Y24 máy con Rieter G32”, “Cải tạo lưới lọc bụi của máy ghép Rieter 3”, “Lắp đặt hệ thống giám sát tự động chống tràn thùng hứng sợi máy con Rieter G32”... Các sáng kiến này được Ban lãnh đạo Công ty và hãng sản xuất máy ghi nhận, đánh giá cao. 7 năm liên tục gắn bó với những chiếc máy dệt sợi, với sự nỗ lực cố gắng và tinh thần ham học hỏi cùng niềm đam mê sáng tạo, nhiều năm anh Hùng đạt danh hiệu “Lao động xuất sắc”, được lãnh đạo Công ty tuyên dương, khen thưởng là tấm gương về sự nỗ lực học tập, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn công việc.

Anh Đồng Thế Chắt, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn - người được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ IV, năm 2024.

Anh Đồng Thế Chắt, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn - người được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ IV, năm 2024.

Lan tỏa những mô hình học tập

Những năm qua, thực hiện các đề án của Chính phủ về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tỉnh Phú Thọ đã triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài và sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh ngày càng phát triển. Sau nhiều năm thực hiện mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “công dân học tập” để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục xây dựng, thực hiện các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Công tác khuyến học, khuyến tài hướng tới việc xây dựng xã hội học tập góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chị Hoàng Thị Hương Thảo, xóm Tân Lập, xã Lương Sơn là người thực hiện tốt mô hình công dân học tập. Chị chia sẻ: Trước đây do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị chỉ được bố mẹ cho học hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà phụ giúp việc ruộng vườn. Sau gần một năm ở nhà trăn trở tìm hướng đi cho tương lai, với suy nghĩ khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, không được đến trường không có nghĩa là không thể học, nhận thấy nghề may dễ học, lại phù hợp với nữ giới và có thể làm việc tại nhà, chị quyết định tìm đến một cửa hàng may trong xóm để học việc với mong muốn sau này có công việc ổn định giúp gia đình thoát nghèo, để đời con mình không phải bỏ học giữa chừng.

Từ tinh thần ham học hỏi, sự động viên của nhiều tổ chức, cá nhân và ý chí vươn lên, đến nay chị Thảo đã là chủ của 2 xưởng may với 40 máy may, tạo việc làm cho 40 công nhân trong, ngoài xã với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, cả 2 xưởng sản xuất gần 2.000 sản phẩm quần áo các loại để cung cấp cho thị trường Hà Nội và chuyển giao cho công ty may mặc xuất khẩu sang Mỹ, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đạt trên 250 triệu đồng/năm.

Chị Thảo là một minh chứng cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài đã trở thành hành động tự giác của nhiều tổ chức, công dân, vào cuộc hỗ trợ một cách đúng, trúng, hiệu quả, giúp cho nhiều cá nhân có cơ hội học tập và áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Nhằm hỗ trợ, “tiếp lửa” cho các mô hình, cá nhân nỗ lực hơn trong sự học và tự học, giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội Khuyến học đã trao 430.609 suất quà và học bổng, tặng 23 nhà “Mái ấm khuyến học, 30 con “bò khuyến học”, xây 9 điểm trường, 2 cầu dân trí cho các vùng khó khăn, tặng 963 máy tính, 4 tủ sách khuyến học, 255 xe đạp, 70.020 cuốn vở viết và nhiều quần, áo... để tiếp sức cho các cá nhân, mô hình khuyến học trong toàn tỉnh thêm vững tin học tập suốt đời.

Năm 2023, toàn tỉnh có 640.693 mô hình công dân học tập, đạt 91,24%; 319.237 gia đình học tập, đạt 94,9%; 2.397 dòng họ học tập, đạt 88,7%; 2.233 cộng đồng học tập, đạt 97,2%; 1.692 đơn vị học tập, đạt 98,8%. Trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có số lượng các mô hình học tập đăng ký đạt tỷ lệ cao với 92% gia đình đăng ký được công nhận gia đình học tập, 2.639 dòng họ học tập, 2.227 cộng đồng học tập, 1.890 đơn vị học tập và 719.976 người đăng ký được công nhận công dân học tập.

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” diễn ra sôi nổi, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nội dung, địa bàn, tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển của xã hội. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể, trong đó Hội Khuyến học tỉnh giữ vai trò nòng cốt, phong trào đã từng bước đi sâu vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, trở thành phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần quan trọng xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Học tập suốt đời là chuyện không của riêng ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, có thể học bất cứ đâu và học bất cứ khi nào. Do đó, cùng với những nỗ lực của việc tự học, sự đồng hành của Hội Khuyến học các cấp cùng Quỹ Khuyến học được sử dụng, đầu tư hiệu quả sẽ góp phần xây dựng xã hội học tập, công dân học tập... đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển KT-XH, khẳng định quan điểm nhân văn của Đảng và Nhà nước ta với việc học, học tập suốt đời.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hoc-tap-suot-doi-giu-cho-mach-nguon-luon-chay-220073.htm