Hội Cựu CAND TP.Thủ Đức về nguồn tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và 79 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2024), ngày 18/7, Hội Cựu CAND TP.Thủ Đức (Hội Cựu CAND TPHCM) đã tổ chức hành trình về nguồn tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh).
Đoàn về nguồn do Đại tá Hoàng Xuân Quang, nguyên Phó Cục Trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng ban Chính trị - Phong trào Hội Cựu CAND TP.Thủ Đức làm trưởng đoàn.
Dịp này, đoàn về nguồn của Hội Cựu CAND TP.Thủ Đức với hơn 370 đồng chí cựu CBCS, hạ sĩ quan, sĩ quan thuộc lực lượng CAND đã nghỉ hưu, sinh sống tại địa bàn TP.Thủ Đức đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng Liệt sĩ.
Đây là dịp các hội viên ôn lại truyền thống hào hùng, hiểu thêm về lịch sử cách mạng, những khó khăn, vất vả trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam, nhiều hội viên đã không khỏi xúc động, bồi hồi khi trở về nơi chiến trường xưa của Ban An ninh Trung ương Cục. Đại tá Hoàng Xuân Quang, Trưởng Ban Chính trị - Phong trào Hội Cựu CAND TP.Thủ Đức, nhấn mạnh: "Buổi về nguồn hôm nay được Hội Cựu CAND TP.Thủ Đức tổ chức nhằm để cho các đồng chí hội viên ôn lại những trang sử hào hùng của cách mạng, dân tộc ta. Cùng với đó, hội mong muốn những thế hệ đồng chí, chiến sĩ Công an trẻ sẽ tiếp tục tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang, tốt đẹp của lực lượng CAND".
Di tích Trung ương Cục miền Nam được biết đến với tên gọi "Căn cứ R", là một trong những di tích lịch sử quan trọng của nước ta. Di tích tọa lạc tại vùng rừng núi Tây Ninh, đây là nơi Ban An ninh Trung ương Cục đặt trụ sở trong suốt thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Trung ương Cục Miền Nam là cơ quan đầu não, chỉ đạo mọi hoạt động cách mạng của Đảng và quân dân miền Nam, lãnh đạo Cách mạng miền Nam cho đến ngày hoàn toàn giải phóng.
Trung ương Cục hoạt động đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn Cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của Cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.
Lịch sử đã chứng minh, quyết định thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân, đặc biệt về bài học xây dựng Đảng.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành "thủ đô" của Cách mạng miền Nam, là nơi lưu những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao CBCS trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam bộ.
Di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là đối với các thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong chuyến về nguồn, Trung tá Nguyễn Lê Kim Huệ, Chi hội trưởng Hội Cựu CAND P.An Khánh, TP.Thủ Đức bảy tỏ niềm tự hào khi cùng các đồng đội, đồng chí của mình về thăm lại Trung ương Cục miền Nam.
Trung tá Huệ bộc bạch: "Tôi đã phục vụ trong lực lượng CAND hơn 30 năm và cũng là thế hệ được sinh tại chiến khu Trung ương Cục năm 1966. Được nuôi dưỡng trong môi trường đầy sự anh dũng, kiên cường, tôi được nghe, thấy những hình ảnh của tầng lớp ông bà, cô chú, anh chị hy sinh và cống hiến hết sức mình cho đất nước".
Trở lại lần đầu sau 49 năm từng phục vụ tại Trung ương Cục miền Nam, Thượng tá Nguyễn Viết Lương, Cựu chiến binh Lực lượng Trinh sát Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng - Quân đội Nhân dân Việt Nam) nhớ lại: "Cuối năm 1972, tôi vinh dự được chi viện cho an ninh miền Nam, bảo vệ Trung ương Cục. Đơn vị chúng tôi sát biên giới Campuchia, hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, thiếu thốn. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh".
"Với tinh thần chiến sĩ CAND, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giờ đây khi trở lại nơi mình từng chiến đấu tôi tự hào vì đã cống hiến cho Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo tại Trung ương Cục. Sau khi đất nước liền một dải, tôi tiếp tục phục vụ tại Đội Cảnh sát Điều tra, CATP" - Thượng tá Nguyễn Viết Lương tự hào nói.