Hội nghị G7: 'Kẻ tung người hứng', Pháp – Iran chẳng làm Mỹ nao lòng
Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Iran giữa Thượng đỉnh G7 là một nước cờ có tính toán của Tehran và Paris, song chưa thể lay chuyển được ông chủ Nhà Trắng. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã có chuyến ghé thăm bất ngờ tới Biarritz ngay trong thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại đây ngày 25/8. (Nguồn: Hurriyet)
Ngày 25/8, cả thế giới đã một phen ngỡ ngàng trước thông tin Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bất ngờ tới Biarritz (Pháp), nơi đang diễn ra Thượng đỉnh các Nền kinh tế lớn thế giới (G7).
Tại đây, ông đã tiến hành hội đàm hơn 3 tiếng đồng hồ với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian và Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Cả giới chức Pháp và Ngoại trưởng Javad Zarif khẳng định hai bên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông cũng đã có cuộc gặp ngắn với giới chức Anh và Đức.
Song “gần ngay trước mắt, xa tận chân trời”, dù ở cùng địa điểm song ông Javad Zarif đã không liên lạc hay có động thái xúc tiến gặp mặt với các quan chức Mỹ tham dự G7, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay sau đó, quan chức nãy đã rời Biarritz về nước, nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản sắp tới.
Tuy diễn ra không lâu, nhưng chuyến thăm chớp nhoáng của ông Javad Zarif tới Biarritz đã cho thấy Iran sẽ không bó tay chịu trói trước áp lực đơn phương đến từ Mỹ và sẵn sàng có những bước đi chủ động để đạt được mục tiêu. Vậy thông điệp ẩn sau sau chuyến đi chớp nhoáng đó là gì?
Cờ chớp phủ đầu
Đầu tiên, như đã nêu trên, chuyến thăm Biarritz, gặp gỡ lãnh đạo Pháp, Anh và Đức ngay giữa thềm thượng đỉnh G7 là một nước cờ với nhiều tính toán của Ngoại trưởng Iran. Cả ba quốc gia này đều là thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia vào ký kết Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) năm 2015. Quan trọng hơn, vấn đề phi hạt nhân hóa và căng thẳng Iran đã trở thành một trong những tâm điểm của G7 lần này, khi các thành viên còn lại đều muốn Mỹ “hạ nhiệt” căng thẳng với Iran, giữ vững JCPOA.
Đây cũng là mục tiêu của phe “chủ hòa” tại Tehran, đứng đầu là Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif. Do đó, chuyến thăm bất ngờ của người đứng đầu ngành Ngoại giao Iran tới Biarritz giữa tâm bão G7 nhằm thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Iran vẫn chưa được cải thiện, nỗ lực đối thoại trực tiếp với ông chủ Nhà Trắng sẽ khó có thể gặt hái được kết quả và thậm chí có thể phản tác dụng, đẩy căng thẳng lên một mức mới. Do đó, việc Ngoại trưởng Zarif tránh gặp gỡ Tổng thống Trump là điều cần thiết, dành nhiệm vụ kêu gọi hay gây áp lực cho các nước thành viên G7.
Thứ hai, sự bất ngờ của phía Mỹ trước chuyến thăm của ông Zarif cho thấy đây là một hành động dàn xếp có chủ đích của Pháp. Nếu Tehran cần nước cờ táo bạo để thể hiện thiện chí gìn giữ JCPOA, Paris lại tận dụng bước đi này nhằm thể hiện vai trò trung gian hòa giải trong vấn đề Iran. củng cố vị thế nước chủ nhà của G7 và tránh trở nên yếu thế trước những vị khách từ Washington.
Với việc bí mật sắp xếp chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran giữa G7, Tổng thống Emmanuel Macron mong muốn thể hiện sự tích cực, chủ động đóng góp vào thiết lập hòa bình Trung Đông. Đồng thời, Pháp cùng Anh và Đức đã tạo áp lực, hòng ông chủ Nhà Trắng xuống thang trong căng thẳng với Iran, nới lỏng các lệnh trừng phạt đã khiến các doanh nghiệp EU tổn thất nhiều tỷ USD.
Với riêng Paris, giành lại ưu thế trước người đứng đầu Washington là điều cần thiết, nhằm thể hiện uy thế nước chủ nhà, sau khi Washington đã “vuốt mặt không nể mũi”, áp thuế với rượu vang Pháp ngay trước thềm G7 nhằm trả đũa thuế công nghệ đối với một số tập đoàn Mỹ. Mượn thành tích đối ngoại để xoa dịu bất ổn đối nội có lẽ đã trở thành “đặc sản” của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron và lãnh đạo các nước G7 trong một bức ảnh chụp tại Thượng đỉnh G7 Biarritz ngày 25/8. (Nguồn: CNN)
Hay chẳng bằng hên
Tất cả những tính toán ấy, tuy nhiên, đã ít nhiều chưa phát huy được tác dụng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không cho thấy bất kỳ sự nhượng bộ nào, dù đó là vấn đề Iran hay thương mại. Nhà lãnh đạo này đã kết mối “tình thân như thủ túc” với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson và ủng hộ giải pháp Brexit không thỏa thuận, được cho là có thể khiến EU một phen khốn đốn nếu thành hiện thực. Tổng thống Donald Trump cũng được cho là đã tranh cãi kịch liệt với lãnh đạo các nước G7 khác xung quanh việc đưa Nga trở lại khối để tái hiện G8.
Đặc biệt, trong vấn đề Iran, Mỹ và những người bạn đã không đạt được thỏa thuận về một giải pháp chung. Về phần mình, ngày 26/8, Tehran đã triển khai tàu khu trục Sahand trang bị tên lửa hành trình tầm xa tới vịnh Aden nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu của nước này.
Điều may mắn hiếm hoi đến từ việc nước chủ nhà Pháp đã lựa chọn không ra tuyên bố chung như mọi năm. Từ lâu, các tuyên bố chung đã là thước đo quan trọng đánh giá thành công của một sự kiện quốc tế. Bài học G7 Charlevoix (2018) còn đó và Pháp không muốn trở thành G7 trên đất mình bị cho là thất bại. Hai G7 liên tiếp không tìm kiếm được đồng thuận có thể gây tổn hại đến uy tín của diễn đàn này và để lộ những chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.
Khi ấy, bỏ qua tuyên bố chung, chờ đợi vào các thay đổi chính sách mềm mỏng hơn của Tổng thống Donald Trump trong năm bầu cử và chủ nhà G7 là phương án không tồi, song cũng chẳng hề bảo đảm. Trước mắt, tìm kiếm lời giải cho bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới trong nhiều vấn đề, từ bảo hộ thương mại, quan hệ nước lớn tới các điểm nóng vẫn là bài toán quá sức với Pháp hay bất kỳ quốc gia thành viên nào trong G7.