Hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên
Sáng 16-8, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ VI năm 2019 nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công thương của các tỉnh trong khu vực năm 2018 và 7 tháng năm 2019, đề ra nhiệm vụ giải pháp thực hiện 5 tháng cuối năm 2019.
Tham dự hội nghị về phía Bộ Công thương có đồng chí Hoàng Quốc Vượng-Thứ trưởng Bộ Công thương, Ngô Quang Trung-Cục trưởng Cục Công thương địa phương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương; lãnh đạo Sở Công thương 15 tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Về phía tỉnh Gia Lai có đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả đạt được của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên trên nhiều mặt. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng... Sự phối hợp chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước, hợp tác phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hóa được duy trì thường xuyên và có hiệu quả đã đóng góp tích cực vào các thành tựu của ngành công thương. Hội nghị ngành công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên được tổ chức luân phiên hàng năm để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công thương của 15 tỉnh, thành phố trong khu vực, là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, tạo sự liên kết, hỗ trợ và hợp tác để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2018, đa số các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 10,2%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 443.953 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017; trong 7 tháng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực ước đạt 262.216 tỷ đồng, tăng 6,84% so với cùng kỳ. Đến nay, đã có 1.575/1.686 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Toàn khu vực có 13 khu kinh tế, 57 khu công nghiệp, 234 cụm công nghiệp. Về lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt 679.209 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017, 7 tháng năm 2019 ước đạt 444.622 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 8.445 triệu USD, 7 tháng năm 2019 ước đạt gần 5.384 triệu USD. Toàn vùng có 1.151/1.686 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.... Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương được chú trọng và nâng cao hiệu quả.
Mặc dù đạt được những thành tựu nhưng vẫn còn một số hạn chế như ngành công nghiệp tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, chưa bền vững, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại còn chậm; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm, một số dự án chậm triển khai; hệ thống mạng lưới hạ tầng thương mại phát triển chậm... Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, các tỉnh trong khu vực đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực thương mại, công nghiệp, các giải pháp tăng cường hợp tác, phát huy sức mạnh liên kết vùng...
Nhiều báo cáo tham luận tại hội nghị được lãnh đạo các Sở Công thương trình bày về các nhóm vấn đề làm thế nào để ngành công thương phát triển, trong đó chủ yếu là các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư phát triển dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện... Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương, các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ đã chia sẻ, trao đổi, trả lời những phản ánh khó khăn, vướng mắc để cùng hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các Sở Công thương cần phát huy khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại; xây dựng quy hoạch vùng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tăng cường liên kết hợp tác giữa các địa phương. Trong bối cảnh nền kinh tế có những cơ hội và thách thức, đề nghị các Sở Công thương tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời cần làm tốt công tác tham mưu cho địa phương xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý tùy địa phương trong công tác nghiên cứu thị trường, hỗ trợ ngành công thương phát triển…
Kết thúc hội nghị, Sở Công thương Gia Lai đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2020 cho tỉnh Quảng Bình.