Hội nghị Normandy: Áp lực bủa vây Tổng thống Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh 4 bên Normandy diễn ra hôm 9/12 ở Paris (Pháp) nhằm tìm cách giải quyết xung đột kéo dài ở miền đông Ukraine.
Đáng chú ý, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin Putin. Câu hỏi đặt ra là liệu một Tổng thống không có nhiều kinh nghiệm chính trị như ông Zelensky có bị “lép vế” trước một lãnh đạo kỳ cựu và cứng rắn như Tổng thống Putin trên bàn đàm phán hay không, đặc biệt trong bối cảnh áp lực trong nước gia tăng với cảnh báo ông không được vượt qua “lằn ranh đỏ” tại hội nghị này.
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã cố gắng thực hiện các cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine. Hội nghị lần này diễn ra khi có nhiều bước tiến trong tiến trình đối thoại hòa bình như trao đổi tù nhân, đạt thỏa thuận về việc rút binh sỹ và khí tài quân sự ra khỏi một số khu vực ở miền đông Ukraine. Với khẳng định sẽ “không trở về tay không”, chính phủ Ukraine hi vọng sẽ thảo luận với Nga về một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Donbass, trao đổi tất cả tù nhân, lịch trình rút các lực lượng ra khỏi khu vực miền Đông và thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử địa phương.
Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ: “Chúng tôi sẽ tham gia cuộc gặp với ý tưởng mới, cởi mở. Chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp hợp lý và tạo ra các bước tiến mà người dân Ukraine mong muốn từ lâu”.
Mặc dù vậy, vẫn có sự lo lắng rằng Tổng thống Ukraine- chính trị gia không có nhiều kinh nghiệm chính trị sẽ khó có thể đạt được lợi thế trên bàn đàm phán trước một Tổng thống Nga đầy kinh nghiệm và cứng rắn. Báo Thương gia (Nga) dẫn một nguồn tin trước cuộc gặp cho biết, Nga không có ý định xem lại các thỏa thuận Minsk và sẽ có lập trường cứng rắn tại hội nghị hôm nay. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đến với hội nghị lần này, Tổng thống Ukraine cũng sẽ bị áp lực từ chính các nước hòa giải, đặc biệt là Tổng thống Pháp Macron- người đang muốn cải thiện mối quan hệ với Nga.
Không chỉ gặp áp lực trên bàn đàm phán, Tổng thống Zelensky cũng đối mặt với sức ép trong nước khi phe đối lập cảnh báo sẽ gây bất ổn nếu ông thể hiện sự "yếu đuối" tại hội nghị. Hàng ngàn người đã tham gia mít tinh tại quảng trường Maidan ở trung tâm thủ đô cuối tuần qua, với tuyên bố họ sẽ không dàn xếp “vì hòa bình với bất kỳ giá nào”. Phe đối lập cảnh báo sẽ gây bất ổn đất nước nếu Tổng thống vượt qua “lằn ranh giới đỏ” tại hội nghị.
Sự sốt sắng của Tổng thống trong việc thúc đẩy hội nghị với Nga, thảo luận vấn đề bầu cử địa phương và qui chế tự trị cho khu vực miền Đông trước khi đạt được một lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực đã vấp phải những chỉ trích trong nước. Do đó, giới quan sát nhận định, cuộc gặp theo hình thức Normandy lần đầu tiên trong 3 năm qua có thể tạo ra cơ hội ngoại giao, nhưng cũng đặt ra những rủi ro trong nước cho Tổng thống Zelensky.
Nhằm trấn an dư luận, Tổng thống Zelensky khẳng định sẽ không bị bất cứ áp lực nào mà phải nhượng bộ, đồng thời khẳng định muốn ngồi vào bàn đàm phán với tư cách là một quốc gia mạnh mẽ, độc lập, bình đẳng. Tuy vậy ông cũng không đặt kì vọng quá cao tại hội nghị lần này, với việc tập trung vào những mục tiêu khiêm tốn.
“Tôi muốn người dân Ukraine đón mừng năm mới với gia đình của họ tại Ukraine. Do đó vấn đề nhân đạo này rất quan trọng đối với cá nhân tôi. Tôi muốn có một thỏa thuận lớn trao đổi tù nhân. Tôi rất quan tâm đến người dân của mình và cũng muốn họ được trở về nhà”.
Hội nghị thượng đỉnh lần này có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các bên tham gia, nhưng đặc biệt có ý nghĩa chính trị lớn với Tổng thống Zelensky. Không có thỏa thuận hòa bình toàn diện nào được mong đợi từ cuộc họp tại Paris lần này, nhưng các nhà ngoại giao cũng hy vọng rằng cuộc họp sẽ giúp xây dựng niềm tin, đặt nền móng cho những bước tiến xa hơn giữa hai quốc gia láng giềng vốn có nhiều bất hòa này./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-normandy-ap-luc-bua-vay-tong-thong-ukraine-988080.vov