Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả DTI tỉnh Ninh Bình năm 2022

Chiều 24/8, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị phân tích, đánh giá kết quả DTI tỉnh Ninh Bình năm 2022 và công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2022.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; các thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Năm 2022 giá trị chỉ số DTI tỉnh Ninh Bình đạt 0,6214 điểm, tăng 0,0115 điểm so với năm 2021, xếp hạng đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc so với năm 2021. Kết quả đánh giá, xếp hạng DTI phản ánh chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2022 tiếp tục có bước phát triển trên cả 3 trụ cột và đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên tốc độ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Ở một số lĩnh vực như: Đảm bảo an toàn thông tin, phát triển kinh tế số kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, tốc độ tăng trưởng chậm so với các địa phương trên cả nước.

Kết quả đánh giá và xếp hạng các chỉ số chính và chỉ số thành phần của tỉnh Ninh Bình năm 2022 cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực thể hiện qua một số chỉ số chính và nhiều CSTP đạt giá trị điểm tối đa, điểm cao. Tuy nhiên kết quả đánh giá còn chỉ rõ nhiều CSTP trong các chỉ số chính đạt giá trị điểm số ở mức thấp và rất thấp, đặc biệt còn có một số CSTP không đạt điểm, đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm tụt giảm xếp hạng các chỉ số chính và DTI của tỉnh năm 2022.

Vì vậy đặt ra yêu cầu để cải thiện, nâng cao xếp hạng chỉ số DTI tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới cần phải tập trung, nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện, nâng cao giá trị, xếp hạng từng CSTP, chỉ số chính, đặc biệt là các chỉ số có giá trị điểm số thấp, rất thấp và không có điểm.

Từ kết quả đã đạt được, hội nghị đã phân tích, đánh giá theo các chỉ số chính/CSTP và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số DTI tỉnh trong thời gian tới.

Mục tiêu xếp hạng chỉ số DTI và các chỉ số chính tỉnh Ninh Bình trong năm 2023 xếp thứ 10-15, đến năm 2025 xếp dưới 10. Tiếp tục duy trì giá trị điểm số đối với các CSTP đạt điểm tối đa năm 2022.

Phấn đấu đạt giá trị điểm tối đa đối với các CSTP đã đạt điểm cao trong năm 2022. Phấn đấu đạt giá trị điểm ở mức khá đối với các CSTP đã đạt giá trị điểm số ở mức trung bình trong năm 2022.

Phấn đấu đạt giá trị điểm ở mức trung bình đến khá đối với các CSTP đã đạt giá trị điểm số ở mức thấp, rất thấp trong năm 2022. Phấn đấu đạt giá trị điểm số ở mức trung bình đối với các CSTP chưa có điểm trong năm 2022.

Tại hội nghị đã công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2022. Theo đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số Sở Giáo dục và Đào tạo xếp thứ nhất; Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ 2; Sở Tài chính xếp thứ ba. Các cơ quan Nhà nước cấp huyện: UBND thành phố Ninh Bình xếp thứ nhất; UBND thành phố Tam Điệp xếp thứ 2 và UBND huyện Nho Quan xếp thứ 3.

Kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá những kết quả của tỉnh Ninh Bình trong công tác chuyển đổi số và chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục để thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới đạt thứ hạng cao hơn trong toàn quốc.

Trong đó, tập trung thực hiện một số chỉ tiêu: Tối thiểu 70% cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng chuyển đổi địa chỉ IP từ V4 sang V6; 100% hệ thống thông tin được xây dựng phê duyệt hồ sơ cấp độ và được triển khai phương án đảm bảo an toàn theo cấp độ; tối thiểu 50% cán bộ, công chức, viên chức đơn vị tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng; 100% hệ thống thông tin máy tính, thiết bị đầu cuối công nghệ thông tin ngành, bộ phận ngành cấp huyện, cấp xã triển khai các giải pháp bảo vệ, bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin; tối thiểu 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 80% thực hiện dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số...

Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.

Hồng Vân - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-phan-tich-danh-gia-ket-qua-dti-tinh-ninh-binh-nam/d20230824165322189.htm